Một nhóm doanh nghiệp hưởng lợi
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng ngoại tệ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ của nền kinh tế. Như vậy, đối tượng được hưởng lợi từ quyết định “mở khóa” ngoại tệ của NHNN không nhiều.
Điều đáng nói, những đối tượng này đi vay ngoại tệ với lãi suất 1 – 2%/năm nhưng không phải dùng để nhập nguyên phụ liêu tạo nên một đơn vị hàng xuất khẩu, mà là để bán đi lấy tiền VND để hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, đa số doanh nghiệp Việt Nam, người dân phải đi vay tiền đồng với lãi suất 8 – 9%/năm. Như vậy có bất hợp lý không?
Doanh nghiệp xuất khẩu và ngân hàng là đối tượng vui nhất khi mở lại cho vay ngoại tệ
Vậy tại sao NHNN vẫn quyết định mở lại cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp này?
TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn quá, lãi suất tiền đồng còn tương đối cao, trong khi đó hệ thống ngân hàng vẫn còn duy trì lượng ngoại tệ tương đối lớn nên chúng ta linh hoạt cho một số đối tượng xuất khẩu vay ngoại tệ.
“Thực chất họ sẽ chuyển hóa ngoại tệ vay được sang tiền đồng chứ không phải dùng ngoại tệ để thanh toán nước ngoài, mua nguyên phụ liệu. Việc đó cũng là một cách để hỗ trợ cho nhà xuất khẩu”, ông Phước phân tích.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng tình hình kinh tế năm nay có vẻ không tích cực như mong muốn, GDP 3 tháng đầu của 2016 thấp hơn dự báo và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
“Nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, nên để hỗ trợ nền kinh tế, xuất khẩu thì việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ để giảm chi phí là điều cần thiết”, ông Hiếu bình luận.
Có làm chậm lại quá trình chống đô la hóa?
Theo NHNN, việc giảm từ từ lượng tiền gửi, tiền vay ngoại tệ là bước đi cần thiết để chống đô la hóa. Vậy nên, việc mở lại cho vay ngoại tệ, đồng nghĩa với việc làm chậm lại quá trình chống đô la hóa.
Quan trọng hơn, việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ tác động làm tăng nhu cầu ngoại tệ trong thời gian tới, tạo áp lực cho tỷ giá trong những tháng cuối năm.
Tỷ giá biến động là điều mà nhà điều hành không mong muốn.
Một điều nữa, việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ tạo áp lực tới lãi suất huy động USD. Hiện NHNN đang duy trì mức lãi suất huy động USD là 0%. Tuy nhiên, để ngân hàng có nguồn ngoại tệ cho doanh nghiệp vay thì NHNN phải nâng trần lãi suất huy động đối với USD.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV, cho rằng NHNN cũng phải cân nhắc thêm về chính sách lãi suất 0%. “Có thể lãi suất phải sửa đổi lên 0,25% để lượng USD vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Ngân hàng mới có tiền cho doanh nghiệp xuất khẩu vay theo tinh thần nới lỏng chính sách hiện nay”, ông Lực bình luận.
Theo ông Lực, việc nâng trần lãi suất USD khỏi mức 0% cũng là cách hợp thức hóa đối với hoạt động huy động ngoại tệ hiện nay của hệ thống ngân hàng.
“Thời gian qua, nếu Thống đốc không chấn chỉnh thì hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục huy động USD không phải với lãi suất 0%, mà là 0,25% hoặc 0,5%. Có nghĩa, các ngân hàng đang phải lách trần. Nếu nâng lên đây sẽ là hình thức hợp thức hóa đối với hoạt động huy động này”, ông Lực bình luận.
Tuy nhiên, việc nâng trần lãi suất đối với USD sẽ thu hẹp khoảng cách giữa tiền đồng và USD, như vậy có thể bùng lên vấn đề đầu cơ.
Vẫn biết chính sách chỉ là tương đối nhưng việc mở lại cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu đến 31.12.2016 có tạo ra bất hợp lý? Vì số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do khó khăn trong 5 tháng đầu năm là hơn 28.600 doanh nghiệp và hơn 4.600 doanh nghiệp chính thức phá sản (theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).