Dân Việt

Vợ hiền của nhà văn, nhà thơ Hồ Dzếnh

Thọ Cao 30/05/2016 11:09 GMT+7
Đọc 12 bài thơ tình hay nhất của Hồ Dzếnh, tôi bỗng nhớ Hồ Dzếnh, tên thật là Hà Triệu Anh và bà Hồng Nhật - vợ ông, giờ đều đã trở thành người thiên cổ.

Những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức

Cách đây 55 năm, vào một buổi tối mùa xuân năm 1961, Hồ Dzếnh tìm đến nhà tôi chơi. Bên chén trà Hồng Đào và điếu thuốc Điện Biên bao bạc, câu chuyển nở như hoa. Ông có dáng phong trần, nước da bánh mật, nhưng mái tóc chải mượt, bộ len cô-tếch may từ thời trước, là thẳng nếp. Tôi chỉ biết  ông là nhà thơ, nhà văn “mang hai dòng máu”. Cha ông, một người Trung Quốc,  mẹ ông, cô lái đò trên sông Ghép (Thanh Hóa).

Vui chuyện, ông kể cho tôi biết những năm 1939-1945, ông đem tập văn “Chân trời cũ” và tập thơ “Quê ngoại” từ ngày ở Hà Nội vào bán ở các tỉnh phía Nam, sang cả Cao Miên. Những ngày lưu lại Sài Gòn, ông cũng làm báo, viết phóng sự đăng trên các báo.

Bẵng đi gần 20 năm, vào cuối năm 1988, tôi được ông gửi tặng cuốn sách “Hồ Dzếnh, tác phẩm chọn lọc”. Vừa giở trang đầu, tôi thấy ngay bài thơ “Chiều” nổi tiếng của ông, được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc. Tôi vội đến thăm ông. Trong phòng khách, tôi mừng vì ông được NXB Văn học in lại tác phẩm, cảm ơn ông đã tặng sách. Lúc này, ông sống lặng lẽ trên gác hai với vợ chồng anh con trai. Bà Hồng Nhật nhận ra tôi, lại đon đả, nhiệt tình. Bà vẫn mở quầy bán sách ở dưới nhà, trông ra mặt phố, nhưng không nhiều mặt hàng như hồi mở hiệu sách Bình Minh ở phố Huế.

img

Hàn huyên một lúc, tôi hỏi:

- Từ ngày không gặp nhau, ông có viết gì không?

Hồ Dzếnh cười:

- Mấy năm nay, mình đang viết tập truyện ngắn “Những số phận con người”, trong đó có một số nhân vật cùng thời với “Chân trời cũ” đang sống ở chân trời mới. Nhiều anh em văn hữu cũng động viên mình: “Ngày xưa viết “Chân trời cũ”, ngày nay phải có “Chân trời mới”. Thỉnh thoảng chúng tôi lại đến thăm nhau, kéo nhau đi cà phê hoặc phở gà ở Bùi Thị Xuân. 

Mê thơ tình, mê luôn nhà thơ

Đến một buổi sáng cuối đông năm 1990, tôi tới thăm giữa lúc ông đang bị bệnh hen phế quản hành hạ. Nằm ngả người trên ghế xích đu, ông giãi bày tâm sự, kể cho tôi nghe cuộc tình duyên giữa ông và người bạn đời. Bà Hồng Nhật mở hiệu sách Bình Minh ở 26B phố Huế, sống giữa một kho truyện và thơ. Ngồi sau quầy kính, bà say mê đọc, nhất là thơ tình của Hồ Dzếnh: Tặng, Mùa thu năm ngoái, Lỡ đò, Muôn trùng, Xuân ý, Lặng lẽ, Ngập ngừng, Rằm tháng Giêng, Quê hương, Giản dị, Trong nắng mưa, Xuân đôi ta... Bài nào cũng hay, làm con tim rạo rực, cõi lòng đam mê, cuồng nhiệt. Từ mê thơ tình, bà Hồng Nhật mê luôn người làm thơ. Rồi thư đi, thư lại dẫn đến những lần gặp mặt, khó quên. Và ông tơ se duyên cho họ thành vợ thành chồng, lễ cưới được tổ chức trước ngày giải phóng Thủ đô khoảng 9 tháng.

 Lần cuối cùng, trước khi Hồ Dzếnh mất chừng nửa tháng, trong quán cà phê phố Ngô Thì Nhậm, ông lại nhắc đến tình cảm sâu nặng đối với người vợ hiền thương chồng hết mực. Bị hen phế quản, năm nào ông cũng phải vào Nam ít tháng để thay đổi thời tiết. Trong các chuyến đi ấy, bà Hồng Nhật là người chăm nom cho chồng từ các bữa ăn, thức uống đến giấc ngủ. Coi tôi là bạn thân tình, ông đọc cho nghe “Bài thơ tặng vợ”.

Gửi Nguyễn Thị Hồng Nhật

Mình vừa là chị, là em

Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời

Mai nay tới phút chia đôi

Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau

Xót mình đã lắm thương đau

Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình

Cuộc đời đâu phải phù sinh

Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi

Không ngờ cái bệnh hen phế quản đã đưa ông đi nhanh vào cõi hết của cuộc đời vãn hút. Thế là ông đã trốn người bạn đời đi trước, quên cả lời hứa “Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình”.

Mối tình như mơ

img

Mấy ngày sau, tôi viết bài về những kỷ niệm với ông vào một buổi sáng trở lại phố Hòa Mã, gặp bà Hồng Nhật để xin tấm ảnh chân dung của ông. Gian nhà rộng trở nên trống trải nhưng ngát mùi hương hoa như ở giữa ngôi chùa. Bàn thờ Hồ Dzếnh không giống bất cứ bàn thờ nào. Trên chiếc bàn rộng, ngoài lọ hoa hồng nhung, một bao thuốc lá 555, một ly cà phê bốc khói đặt trên đĩa, là những tác phẩm của ông đã in lúc sinh thời và mới in khi ông vừa mất, trong đó có tập “100 bài thơ tình” của NXB Giáo dục, tập “Thơ tình hay nhất” của NXB Hội nhà văn, tập tự truyện “Cuốn sách không tên” của NXB Văn hóa. Lại cả những tờ báo tuần, báo tháng còn thơm mùi mực, trong có bài đăng đều mở ra. Bà nói giọng Hà Nội nhỏ nhẹ:

- Chúng tôi sống với nhau hơn 40 năm, biết bao kỷ niệm khó quên. Tính nhà tôi giản dị, không ưa ồn ào, sống nội tâm. Bây giờ, vắng ông nhưng tôi vẫn dành thời gian cho ông. Buổi sáng, bà pha cà phê, thay hoa mới đặt lên bàn thờ, tiếp khách làng văn, sắp xếp lại tác phẩm, bản thảo...

Hơn 3 năm trôi nhanh. Ngày 5-1-1995, trước đông đảo nhà văn, nhà thơ, được sự phối hợp của Hội Nhà văn Việt Nam, bà Hồng Nhật và 2 con trai Trung Cường, Hà Chính trả nghĩa cho chồng, cho cha. Mộ phần được đặt ở một vị trí thuận tiện và xây rất đẹp để vong linh nhà thơ có được nơi an nghỉ và niềm thanh thản cuối cùng.

Hôm nay, một chiều hè, tôi trở lại căn nhà xưa, ngồi trong gian phòng rộng trên gác hai phố Hòa Mã.

Anh Trung Cường, nghệ sĩ dương cầm nhắc lại chuyện cũ:

- “Sau ngày ba cháu mất, vào mùa hè năm 1997, mợ cháu có dịp đi du lịch sang Trung Quốc thăm quê hương ba cháu. Sau ngày giỗ hết tang mợ cháu, chúng cháu đã bốc mộ và xây mộ ở nghĩa trang Văn Điển đúng như ý mợ cháu”.

Tôi thắp hương, nhìn ảnh vợ chồng nhà thơ, lại nghĩ tới mối tình đẹp như mơ của họ.