“Đa số người nước ngoài lấy vợ Việt Nam theo con đường nhờ mai mối “tuyển vợ” đều là những người đàn ông nghèo khó. Tuy nhiên, với những cô gái Việt Nam tham gia “tuyển chồng” ngoại, họ cho rằng, dù ở nước họ nghèo khó vẫn hơn lấy chồng và sống ở Việt Nam. Nên bất chấp tất cả, kể cả "khỏa thân", uốn éo để được tuyển làm vợ người nước ngoài”.
PGS.TS dân tộc học Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa nhân học, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM trao đổi với PV xung quang vấn đề bùng nổ xu hướng lấy chồng ngoại của các cô gái ở miền Tây và trên cả nước thời gian gần đây.
Đua nhau "khỏa thân" tuyển chồng ngoại
Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ “tuyển vợ” Việt của đàn ông nước ngoài qua môi giới đã bị phát hiện. Nhiều vụ các cô gái Việt “khỏa thân” uốn éo đủ tư thế, cạnh tranh với nhau để lọt vào “mắt xanh” của đàn ông ngoại quốc chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Chỉ cần gõ cụm từ "khỏa thân tuyển chồng ngoại" trên công cụ tìm kiếm Google, đã cho đến 1.690.000 kết quả trong thời gian 0,38 giây.
Nhiều phụ nữ Việt Nam cảm thấy bị xúc phạm khi nhìn những hình ảnh này |
Cũng trong thời gian qua, rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra liên quan đến các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc như chuyện cô dâu Phạm Thị Loan (38 tuổi) bị chồng sát hại tại Hàn Quốc sau chưa đầy 2 tháng rời Việt Nam vào tháng 3.2012. Hay như ngày 23.11, chị Võ Thị Minh Phương, quê ở Hòa An, Phụng Hiệp, Hậu Giang ôm 2 con nhảy lầu tự tử do mâu thuẫn với chồng Hàn Quốc. Những vụ việc trên đã không ít lần khiến dư luận trong nước "dậy sóng", thế nhưng, nhiều cô gái Việt Nam vẫn bất chấp những rủi ro khi sống ở xứ người để tham gia ứng tuyển chồng ngoại với ước mơ...đổi đời.
Mới đây nhất, ngày 27.12.2012, Công an TP Cần Thơ phát hiện Hua Xiaole (37 tuổi) và cô vợ Việt 22 tuổi tổ chức cho 6 người đàn ông Trung Quốc xem mặt 4 cô gái miền Tây tại khách sạn Hoàn Cầu ở phường Thới Bình (Ninh Kiều, Cần Thơ).
Xiaole khai nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích du lịch nhưng đã cùng vợ "tuyển" 11 cô dâu miền Tây lấy chồng Trung Quốc, tiền công môi giới 20 triệu đồng một cô. Cùng ngày hôm đó, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Cần Thơ phát hiện tại khách sạn Hoàn Cầu có người đàn ông Trung Quốc 42 tuổi tên Hao Bin đang sống như vợ chồng với một cô gái quê tỉnh Hậu Giang. Hai tháng qua, Bin với người tình nhận được 32 triệu đồng là tiền môi giới "tuyển" 2 cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc.
Trước đó, trên nhiều trang mạng xã hội, liên tục xuất hiện các video clip liên quan đến việc các cô gái Việt Nam đua nhau trình diễn "khỏa thân", uốn éo, phô diễn cơ thể của mình, phân tài cao thấp về nhan sắc với nhau... Tất cả chỉ vì muốn lọt vào trong "mắt xanh" của "cánh mày râu" người ngoại quốc. Họ bất chấp truyền thống văn hóa của người phụ nữ Việt Nam, chỉ để thực hiện ước mơ... có một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp |
Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng, đó là thực trạng mà xã hội cần quan tâm.
“Vì sao các cô gái Việt lại thích lấy chồng ngoại quốc mà bất chấp danh dự, sẵn sàng trình diễn để tuyển chồng, bỏ qua tình cảm cá nhân? Đó là do đời sống kinh tế ở một số vùng nông thôn nước ta còn quá khó khăn.
Người nước ngoài sang Việt Nam tuyển vợ qua đường môi giới, đa phần đều là người nghèo khó ở bên nước họ, họ chủ yếu là nông dân, công nhân, không đủ tiền lấy vợ bên ấy. Nhưng sang Việt Nam số tiền ấy lại dễ dàng lấy được vợ. Hơn nữa, với một số cô gái ở các vùng nông thôn, dù sang nước ngoài có khó khăn mấy, nghèo khó mấy vẫn hơn ở Việt Nam. Đó là thực tế cần phải nhìn nhận”, PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho biết.
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cho biết thêm: “Thậm chí, nhiều cô gái sẵn sàng đánh cược số phận mình, bởi họ không biết bên kia biên giới cuộc sống của họ thế nào, nhưng vẫn liều nhắm mắt đưa chân. Bởi với họ, việc lấy chồng ngoại là một cuộc đánh đổi để tìm một lối thoát cho cuộc sống nghèo khó mà họ và gia đình đang phải đối mặt. Nhiều người chấp nhận lấy chồng ngoại vì kinh tế gia đình nên khi họ bị dụ dỗ bởi những kẻ môi giới hôn nhân trái phép, họ đã đồng ý làm theo”.
Hạ thấp nhân phẩm người phụ nữ, xúc phạm tự tôn dân tộc
Việc nhiều cô gái miền Tây, và một số cô gái ở các vùng nông thôn nghèo Việt Nam, quyết tâm chăm sóc sắc đẹp, trình diễn “khỏa thân” để tuyển chồng ngoại qua con đường môi giới đã gây lên nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, còn nỗi đau nào hơn nữa. Vì tiền mà nhiều cô gái trẻ quyết hạ nhân phẩm của mình để mang tấm thân "ngọc ngà" ra "đánh cược" chỉ để đổi lấy sự may rủi về viễn cảnh sung túc bên nước ngoài, thậm chí không biết ngày mai mình sẽ ra sao.
“Tôi đã từng sang Hàn Quốc, Đài Loan để tìm hiểu cuộc sống của những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại. Đa số đều có cuộc sống khá giả hơn. Nhiều người vất vả làm việc nhưng đổi lại họ có cuộc sống sung túc, thậm chí có tiền phụ giúp gia đình ở Việt Nam. Từ đó, tôi hiểu được nguyên nhân vì sao, các cô gái vùng nông thôn nghèo lại quyết tâm phải lấy được chồng ngoại dù qua môi giới.
Trong làng, trong ấp có một người lấy chồng ngoại mà phụ giúp được gia đình, rất nhiều cô gái sẵn sàng theo chân. Tuy nhiên, mỗi người mỗi cảnh, nếu cứ nhìn vào đó mà bất chấp tất cả nhân phẩm của mình để được tuyển chồng thì đó là nỗi đau nhói lòng không chỉ của đàn ông Việt, mà còn nhiều phụ nữ Việt cũng thấy bị xúc phạm khi nhân phẩm phụ nữ Việt Nam bị hạ thấp thông qua những cuộc tuyển chọn kiểu này”, PGS.TS Tiệp nhìn nhận.
“Khi xem những cảnh các cô gái Việt Nam “khỏa thân” uốn éo để tuyển chồng ngoại, tôi đã rất bức xúc. Chưa bao giờ lòng tự tôn dân tộc bị xúc phạm đến như thế. Chưa bao giờ nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam bị coi rẻ đến như vậy. Thân phận của họ chẳng khác gì những người “vợ nhặt”.
Giàu sang thì ai cũng mơ ước, nhưng giàu sang theo kiểu “hi vọng đổi đời” nhờ lấy chồng ngoại tôi thấy bất ổn. Mong rằng, các cô gái Việt Nam có ý định ứng tuyển chồng ngoại sẽ suy nghĩ lại, để không còn những vụ tự tử đau lòng liên quan đến cô dâu Việt ở ngoại quốc”, chị Đỗ Thị Huế, nhân viên giao dịch Viettel cho biết.
Nhà tâm lý Lê Thị Bích Ngọc, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng, dù khi đi ứng tuyển để được lấy chồng ngoại, nhiều cô gái Việt Nam ôm ước mơ đổi đời. Nhưng khi sống ở đất khách quê người, cô dâu Việt khi bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần, sẽ không có ai chia sẻ, cuộc sống bế tắc không lối thoát. Nhiều vụ tự tử gần đây của một số cô dâu Việt tại Hàn Quốc đã cho thấy điều đó. Những cô dâu đó mất đi, để lại cho gia đình những nỗi đau khó có thể nguôi, mà xã hội cũng đớn đau không kém.
"Bên cạnh số ít người phụ nữ Việt may mắn lấy được người chồng ngoại có kinh tế khá giả, biết quan tâm vợ con, lo cho gia đình nhà vợ, không ít cô dâu Việt khi sang đất khách quê người phải chịu đựng cuộc sống nghiệt ngã, bị bóc lột về thể xác, trở thành nô lệ tình dục cho nhiều người trong nhà. Nhiều cô dâu Việt đã phải tự vẫn vì không chịu được cuộc sống qua nhiều nghiệt ngã. Họ cũng dễ rơi vào đáy bi thương, thấy mình cô độc nơi xứ người, không tiền, không nghề nghiệp và hay một chỗ dựa nào đó", PGS Tiệp cho biết.
Nói về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Tiệp cho rằng: “Cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc, do bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa. Nên cuộc sống có nhiều lúc xung đột. Nếu vì tình yêu họ sẽ bỏ qua cho nhau. Nhưng đây là cuộc hôn nhân “rổ rá kẹp lại”, nên với những người chồng ngoại, họ chỉ xem nhiều cô dâu Việt là món hàng mà họ bỏ tiền ra để lấy về”.
Khó ngăn chặn…
Để giảm thiểu tình trạng các cô gái Việt tham gia “tuyển chồng” ngoại, theo PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp là rất khó.
“Ở Việt Nam chưa có giải pháp hữu hiệu quản lý vấn đề môi giới hôn nhân với người nước ngoài. Mặc dù có nhiều trường hợp môi giới hôn nhân với người nước ngoài làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, xúc phạm đến nhân phẩm người phụ nữ Việt Nam. Việc tuyển chồng ngoại trở thành nhu cầu nên không thể cấm, chúng ta chỉ có thể cấm môi giới hôn nhân trái pháp luật nhưng vấn đề này cũng khó vì họ thường hoạt động lén lút. Trong khi đó, ở nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan họ cũng không quản lý được. Họ có quan tâm, nhưng những người đàn ông tuyển vợ Việt đều ở nông thôn, không thể nắm hết được, rủi ro cũng xảy ra”, PGS Nguyễn Văn Tiệp cho biết.
“Hơn nữa, việc xử phạt hành vi môi giới trái phép ở Việt Nam vẫn còn quá nhẹ. Nghị định 150/2005/NĐ-CP, người tổ chức môi giới hôn nhân trái phép chỉ bị xử phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng. Vì thế khó giải quyết triệt để tình trạng này”, ông Tiệp nhận định.
“Giải pháp trước mắt, là phải quản lý về luật pháp cho chặt. Nên có những tiêu chuẩn, ràng buộc về mặt pháp lý đối với môi giới hôn nhân xuyên quốc gia. Từ đó nâng cao mức xử phạt hành chính so với hiện nay cũng như đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tổ chức môi giới hôn nhân trái phép. Đồng thời, tuyên truyền đến người dân cuộc sống bất hạnh của nhiều cô gái lấy chồng ngoại, để họ nhìn vào đó mà thay đổi ý định “sính chồng ngoại”.