25 năm kiếp “nô lệ”
Bà Lăn (giữa) được chị em hội phụ nữ đến động viên. Ảnh: Gia Tưởng
Bà Nguyễn Thị Huyền - Trưởng ban Gia đình thuộc Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết, những năm qua riêng địa bàn huyện Tiên Du có 254 phụ nữ bị buôn bán hay mất tích khỏi địa phương. Hiện nay một số người trốn được về quê mới biết họ bị mua bán. Tất cả các trường hợp trở về địa phương đều được hội bố trí cán bộ giúp đỡ động viên cả về tinh thần và vật chất để tái hòa nhập cộng đồng. |
Chỉ vì nghèo quá, phải tìm kế sinh nhai để nuôi con mà bà Nguyên Thị Lăn (60 tuổi, ở thôn Dền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị lừa đi biệt xứ đến 25 năm. Những gì bà đã trải qua - để đến hôm nay kể lại cho chúng tôi nghe - là một quãng đời không khác gì nô lệ.
Sau 25 năm bị bán sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), phải may mắn lắm bà Lăn mới được một người quen tên là Mơ đưa về quê. Tuy đã về nhà hơn một tháng, nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi, tâm lý bà vẫn chưa bình thường. Mỗi lần có người lạ, bà đều có biểu hiện hoảng sợ và muốn chạy trốn. Phải nhờ đến mấy chị cán bộ phụ nữ xã Cảnh Hưng động viên, bà Lăn mới bắt đầu kể được câu chuyện về quãng đời 25 năm không muốn nhớ của mình.
Bà kể: “Năm đó tôi đã có chồng và một con gái 4 tuổi. Chồng tôi không được khôn ngoan nên tôi phải vất vả kiếm sống nuôi con, ai thuê gì làm đó. Đang mùa đói giáp hạt, có người phụ nữ tên Bình cùng huyện rủ xuống Móng Cái (Quảng Ninh) gánh hàng thuê với tiền công cao, thế là tôi theo chị ta đi luôn. Ngồi nửa ngày ô tô thì xuống đò, vượt sông, rồi chui qua hàng rào đi bộ vượt biên giới. Sau đó tôi lại được đưa lên xe ô tô đi tiếp một ngày một đêm nữa, say xe ngất ngư, lúc mở mắt ra thấy toàn đồi núi.
Bình dẫn tôi đến một nhà có hai mẹ con, bà mẹ khoảng 70 tuổi, còn người con trai 50 tuổi, râu ria dữ tướng. Tôi thấy bà mẹ già đếm tiền đưa cho chị Bình, xong người đàn ông kéo tôi vào buồng đóng cửa rồi “động phòng”, lúc này tôi mới biết, mình đã bị Bình bán cho anh ta”.
Chị Ngoan kể về quãng đường đã chạy trốn. Ảnh: G.T
Nghĩ về quãng thời gian bị bán sang Trung Quốc, thỉnh thoảng đêm tôi vẫn ngủ mơ, vẫn thấy sợ và không biết động lực nào để mình có thế trốn được, có lẽ cũng một phần may mắn”. Chị Nguyễn Thị Ngoan |
Bà Lăn kể, năm đầu tiên làm dâu ở đất Trung Quốc, bà ít bị đánh. Nhưng từ năm thứ 2 trở đi thì bà không nhớ mình bị đánh bao nhiêu trận nữa, chỉ biết rằng lúc nào trên người cũng có vết thâm tím. Ngày thì đi thả trâu, trồng mía, tối về nhà thì bị chồng đánh bất kể giờ giấc nào. Đến năm thứ 3, bà có bầu thì ít bị đánh hơn, nhưng công việc làm vẫn không được giảm.
Kinh khủng nhất là ngày sinh nở, bà bị nhốt vào trong buồng, đau quá thì bám chấn song cửa sổ, rồi ghì bụng vào đó, không có ai giúp hết. Bà phải tự vượt cạn một mình, tới khi thằng bé con chui ra, khóc oe oe, bà dùng cật nứa cắt rốn, lau chùi xong thì mẹ chồng mới mở cửa vào. Trao thằng bé cho mẹ chồng, bà Lăn tự vệ sinh cho mình xong mới được bò lên giường nằm nghỉ...
Đẻ được thằng con trai nhưng bà cũng chỉ được nghỉ 1 tháng, sau đó mẹ chồng bắt đi làm nương cả ngày, đến tối muộn mới được về bế con đi ngủ.
“Cuộc sống của tôi là những chuỗi ngày làm việc, từ sáng tới tối. Ở bên Trung Quốc, cứ 3 ngày một phiên chợ, chồng tôi đi chợ uống rượu và đánh tài – xỉu, hôm nào lão thắng mình không bị đánh, còn hôm nào thua bạc thì mình no đòn. Bị đánh nhiều quá, tôi quyết tìm đường về Việt Nam. Hơn một năm nấu rượu để bán, tôi giấu đi được 1.000 nhân dân tệ và thằng con trai đi làm thuê về cho 300 nhân dân tệ. Nhân tiện có một người Việt mình tên là Mơ lấy chồng ở gần nhà về quê, nửa đêm tôi trốn chồng, rồi nộp cho chị Mơ 1.000 tệ làm lộ phí để chị ấy đưa về quê” – bà Lăn chia sẻ.
Sau 25 năm làm việc như nô lệ, gia tài của bà Lăn về đến nhà là 300 nhân dân tệ (khoảng 950.000 đồng). Về đến quê bà không có nhà cửa, công việc, chứng minh thư, cũng may được chị dâu là bà Nguyễn Thị Mười cho ở nhờ. Bà Mười nói: “Người ta sa cơ lỡ vận mình còn cưu mang được, huống hồ ruột thịt nhà mình, tôi và các cháu đã xác định chị em đùm bọc nhau, cô Lăn thiệt thòi mình không thể bỏ được”.
Cuộc đào thoát ngoạn mục
Không bị bán sang Trung Quốc để lấy chồng mà bị bán sang làm lao động khổ sai, chị Nguyễn Thị Ngoan (sinh năm 1974, ở thôn Núi Đông, xã Hoàng Sơn, huyện Tiên Du) nhờ tài trí của mình đã có một cuộc đào tẩu ngoạn mục.
Mẹ mất khi Ngoan 4 tuổi, bố lấy vợ hai, cả tuổi thơ của cô chẳng có ngày nào yên ả. Lớn lên Ngoan lấy chồng, rồi vợ chồng chẳng ở được với nhau, cô bỏ vào Đồng Nai làm công nhân nhà máy chế biến thủy sản. Năm 2008 chị về quê, được thôn tạo điều kiện cấp đất cắm tạm một mái nhà nhỏ, nhưng không có tiền để đóng cửa. Lúc đó trong xóm có người tên Thơm, lấy chồng bên Trung Quốc, dẫn chồng về chơi. Thơm sang nhà Ngoan rủ rê: “Sang Trung Quốc chặt mía thuê cho nhà em, năm nào em cũng phải thuê mấy người bên Lạng Sơn sang làm, chị đi làm về mà lấy tiền mua bộ cánh cửa”.
Thấy hợp lý, Ngoan theo Thơm sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Thơm đưa chị đến một gia đình có 7 người, ngủ ở đó một đêm thì Thơm về. Nhà họ chuyên trồng mía, thuộc vùng sâu của tỉnh Quảng Tây. Công việc của chị là sáng ra quẩy cháo ra đồng, làm việc cùng họ, tối về nhà hôm nào cũng phải giặt 7 bộ quần áo cho cả nhà xong mới được đi ngủ. Ở được gần 2 tháng mà không thấy nhà chủ trả tiền lương, lúc đó chị cũng đã biết một chút tiếng, mới hỏi tiền công, thì bị nhà chủ xúm vào đánh cho một trận tơi bời. Họ nói đã mua chị từ tay Thơm với giá 30 triệu đồng rồi, bây giờ chị phải làm người ở cho nhà họ suốt đời.
“Từ đó đêm nào tôi cũng khóc và tìm cách chạy trốn, nhưng không có tiền đi xe. Sau đó tôi nghĩ ra cách, nhờ họ đưa ra hàng tạp hóa mua mỗi tháng 4 gói băng vệ sinh, sau đó chỉ dùng một gói, còn lại giấu đi để bán. Cứ thế kiên trì trong một năm, tôi đã tiết kiệm được tiền xe. Đợi hôm chủ nhà đi làm về mệt, không mang theo bất cứ thứ gì, tôi lặng lẽ chạy trốn lên đồi, đi khoảng được 4 tiếng thì thấy 5 cái xe máy đuổi theo, tôi lại chui vào bụi mía nấp, đêm đói thì bẻ mía ăn...”- chị Ngoan kể lại.
Chị Ngoan đi bộ suốt một đêm thì tới điểm đón xe, vì vẫn nhớ số xe lúc tới đây nên chị lên xe đi suốt một ngày thì hết bến. Xuống xe vừa đói vừa mệt, chị được một người phụ nữ cho ăn 2 cái bánh nướng và một cốc nước. Lúc đó mới thấy bơ vơ, chị ngồi khóc một mình...
Rồi chị nhớ, trước đây có một người quê Lạng Sơn, lấy chồng ở làng chị có kể: “Ở Trung Quốc, hễ cứ gặp người nào đeo vàng tây thì là người Việt Nam”. Đang khóc, chị thấy một phụ nữ đeo vàng tây đi qua, chị Ngoan túm lấy, nói “chị ơi, chị cứu em”…
Đó là người Việt Nam thật, chị ta tên là Luyến, quê Nam Định. Chị Ngoan về nhà Luyến ở 13 ngày, những ngày đó Luyến đưa nhiều người Trung Quốc đến xem mặt, định để bán tiếp nhưng chị Ngoan không chịu và nói: “Chị bán tôi được bao nhiêu, chị đưa tôi về Việt Nam tôi sẽ trả chị từng đó, vì hiện nay tôi đã có hơn 100 triệu tiền đền bù ruộng ở nhà”. Thấy chị Ngoan cương quyết, vợ chồng Luyến đã đưa chị Ngoan về tận nhà. Giữ đúng lời hứa, khi về tới nhà chị Ngoan đưa trả Luyến 10 triệu đồng.
Sau hơn 1 năm lưu lạc trên đất Trung Quốc, tới cuối năm 2010, chị Ngoan đã tìm về đến nhà, hiện nay chị làm công nhân của một nhà máy giấy với mức lương 3 triệu đồng/tháng.