Dân Việt

Thảm họa với con tôm Cà Mau

Hoàng Hạnh 01/06/2016 09:38 GMT+7
Do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn mặn bủa vây trong 5 tháng đầu năm khiến cho hơn 52.000ha tôm ở Cà Mau bị thiệt hại nặng nề (ước tính khoảng 260 tỷ đồng). Trước tình hình nghiêm trọng trên, UBND tỉnh Cà Mau vừa công bố thiên tai đối với tôm nuôi, nhằm có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người nuôi.

Người nuôi trắng tay

img

 Nắng hạn khiến cho sản lượng tôm giảm mạnh, nhiều người nuôi tôm ở Cà Mau thua lỗ,
trắng tay.  Ảnh: Hoàng Hạnh

Tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau hôm 18.5, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị các cơ quan chức năng thuộc Bộ cần đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm tra nguồn tôm giống ở các tỉnh miền Trung và tại các địa phương ở ĐBSCL, nhằm đảm bảo chất lượng con giống tốt khi đến tay người nuôi.

Cà Mau có diện tích nuôi tôm lớn nhất nhì khu vực ĐBSCL, nhưng vào những ngày này, chạy xe dọc theo các vùng nuôi tôm trọng điểm như Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân… chúng tôi bắt gặp hình ảnh những nông dân đứng thẫn thờ bên đầm tôm nhà mình.

 Hàng nghìn nông dân  Cà Mau đang lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu do tôm nuôi chết hàng loạt. Những cánh đồng tôm bạt ngàn từng đem về nguồn thu lớn cho nông dân giờ đây bị bỏ hoang phế. “Bây giờ thì không những trắng tay mà còn lâm nợ nữa chú ơi. Thằng con trai duy nhất của gia đình tôi phải đùm đíu theo vợ con lên Bình Dương làm thuê từ mấy tháng nay” – ông Nguyễn Văn Quận ở huyện Cái Nước nói trong tiếng thở dài.

Gia đình ông Quận có hơn 2ha đất nuôi tôm quảng canh, vài năm trước người nông dân này cũng bị cuốn theo phong trào nuôi tôm công nghiệp ở địa phương. “Tôi đào hai hầm, đầu tư hơn 100 triệu đồng, những vụ đầu tôm trúng lắm. Nhưng từ năm 2015 đến nay thì nuôi vụ nào xem như lỗ vụ đó. Để gỡ vốn, đầu năm nay tôi vay thêm tiền, nuôi tiếp trên diện tích đã có (gần 1.000m2), nhưng không ngờ gặp đúng mùa nắng hạn, nước nhiễm mặn nghiêm trọng, con tôm không những không lớn mà còn chết sạch” – ông Quận ngậm ngùi.

Tương tự, sau 2 năm bám với nghề nuôi tôm công nghiệp, gia đình ông Bùi Minh Diễn cũng trắng tay. “Mất hết vốn tích góp hơn 200 triệu đồng, giờ còn thiếu tiền vật tư, thức ăn gần cả trăm triệu đồng. Để có tiền lo cho 2 đứa con ăn học, hàng ngày vợ chồng tôi phải đi làm phụ hồ” – ông Diễn mếu máo, nói.

Mất mùa, người nuôi tôm cũng không thèm màng đến chuyện mang các trang thiết bị vào nhà bảo quản, bởi vì khi nói đến việc tái sản xuất thì ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Công bố thiên tai

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Nắng hạn gay gắt kéo dài làm mặn tăng cao, nhiệt độ dao động giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, các yếu tố môi trường nước trong ao, vuông nuôi biến động… khiến tôm nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện mực nước trên các tuyến sông giảm thấp và trong vuông nuôi cạn dần. Độ mặn trên các tuyến sông dao động từ 36-42%o, trong ao nuôi từ 40 – 55%o, thậm chí có nơi lên đến 60%o. “Qua kết quả khảo sát và thống kê nhanh của các huyện và TP.Cà Mau, đến thời điểm này ước thiệt hại trên tôm nuôi khoảng 52.467ha (chiếm 19,7% diện tích nuôi). Nếu ước chi phí 1ha khoảng 5 triệu đồng, thì tổng thiệt hại trên 260 tỷ đồng” - ông Bằng cho biết thêm.

Trước tình hình tôm nuôi bị chết hàng loạt trên diện rộng, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định công bố thiên tai gây hại trực tiếp đến nuôi trồng thủy sản với cấp độ 2 xảy ra trên địa bàn tỉnh (thời gian xảy ra thiên tai từ  ngày 1.2 – 15.5.2016).

“Tỉnh công bố thiên tai theo Nghị định 44 của Chính phủ về các điều kiện công bố thiên tai. Con số thiệt hại hơn 52.000ha chỉ là khảo sát sơ bộ, trên thực tế nó còn lớn hơn. Sau khi công bố thiên tai, ngành chức năng tỉnh sẽ xem xét việc chi hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản dự kiến bằng hình thức trao trực tiếp con giống có chất lượng tốt  và kích cỡ lớn, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất theo kịp lịch thời vụ” – ông Bằng thông tin.

Theo ông Bằng, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp con giống, còn căn cứ vào tỷ lệ thiệt hại thực tế đối với từng hộ nuôi. Ví dụ như nuôi tôm quảng canh, hộ bị thiệt hại từ 30 – 70% sẽ được hỗ trợ từ 2- 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 70% trở lên sẽ được hỗ trợ từ 4- 6 triệu đồng/ha.

Thèo tìm hiểu của NTNN, để giúp nông dân tái sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã thành lập 6 đoàn công tác gồm những cán bộ kỹ thuật, kỹ sư trực tiếp đến với người dân ở các huyện có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nặng nhất, nhằm giúp người nuôi khôi phục sản xuất.