Đặc biệt, đôi chóe này lại là một tác phẩm vừa ra đời cách đây 6 năm, chứ không phải là một cổ vật hàng trăm năm tuổi như nhiều người lầm tưởng.
Điểm nổi bật của đôi chóe nằm ở kích thước khổng lồ với đường kính gần 2 người ôm, ở kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật “vuốt gốm” cổ truyền. Và ở câu chuyện về người sáng tạo ra nó là nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo.
Đôi chóe luôn chiếm vị trí trung tâm tại phiên đấu giá. Ảnh: Phạm Huy Thông
39 tuổi, căn bệnh từ nhỏ gần như lấy mất toàn bộ khả năng nghe, nói của Đạo. Bù lại, trời phú cho anh một đôi bàn tay tài hoa và sự say mê đặc biệt với nghề gốm truyền thống của gia đình. Thành lập năm 2002, xưởng gốm của Đạo tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn được biết tới như cơ sở duy nhất còn theo đuổi việc chế tác bằng tay, thay vì dùng máy móc.
Năm 2010, đôi chóe khổng lồ ra đời, như một sản phẩm đặc biệt của Đạo nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Mỗi chiếc chóe này có chiều cao gần 2 mét, đường kính 1,2 mét và nặng tới 500 kg. Các họa tiết vẽ tứ linh (long lân quy phượng) trên chóe được Đạo vẽ lại, dựa trên các họa tiết gốm truyền thống với nước men rạn theo kiểu giả cổ.
Để có được đôi chóe này, Đạo đã mất gần 1 năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã lên tới gần 40 triệu đồng. Anh và cộng sự phải thức trắng suốt 6 ngày đêm để canh lò nung.
Tại phiên bán đấu giá tối 28/5, đôi chóe này là tác phẩm có mức khởi điểm cao nhất là 900 triệu đồng. Và cũng là tác phẩm trải qua nhiều vòng đấu nhất (29 vòng) với những bước giá có thời điểm chênh lệch lên tới vài trăm triệu, cho tới khi chốt lại ở mức giá 6,05 tỷ đồng.
Vẫn biết, tiền chỉ là một trong nhiều hệ giá trị để định giá tác phẩm. Nhưng ít nhất, sự nhiệt tình muốn sở hữu cặp chóe đặc biệt này cũng cho thấy một sự thực: người ta không hề đánh giá thấp đôi bàn tay của Đạo, cũng như những cố gắng vượt lên nghịch cảnh của anh…