Dân Việt

Doanh nghiệp bị tố ủi phá rau màu của dân

Hùng Phiên – Nam Cường 31/05/2016 19:43 GMT+7
Phản ánh với báo điện tử Dân Việt, nhiều hộ dân tại xã miền núi Hòa Hội, huyện Phú Hòa (Phú Yên) cho rằng, nhiều diện tích hoa màu của họ đã bị Công ty sản xuất rượu mang tên Rượu Vạn Phát ủi phá. Chính quyền nói thiếu cương quyết, còn DN phủ nhận sự việc trên.

Dân trồng, DN thuê máy cày ủi phá?

Ngày 31.5, bà Hồ Thị Nguyên Thảo – Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn UBND tỉnh Phú Yên cho biết, chính quyền tỉnh đang ráo riết chỉ đạo xử lý vụ việc Công ty Rượu Vạn Phát (RVP) lại tiếp tục phá hoại hoa màu trên đất đã giao cho dân sản xuất.

Theo UBND xã Hòa Hội, ngày 27.5, RVP đã thuê máy cày tiến hành cào phá hơn 1.150m2 đất trồng sắn và mía của 4 hộ dân ở thôn Phong Hậu (Hòa Hội); chính quyền xã này đã lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.

img

Một người dân chỉ cho PV phần đất của mình cho rằng đã bị DN chiếm dụng trồng mía. Ảnh Hùng Phiên

Hồ sơ của Công an Hòa Hội ghi nhận, cuối tháng 8.2015, RVP cũng đã thuê máy cày cào phá hơn 6.450m2 hoa màu của một hộ dân; đến đầu tháng 1.2016, RVP lại cho máy cày phá gần 20.000m2  hoa màu của 3 hộ dân…

Theo người dân ở đây, những khu vực hoa màu bị phá trên là đất nằm trong số 89,3ha mà UBND huyện Phú Hòa đã cấp cho 119 hộ dân ở thôn Phong Hậu dùng để sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2014; thời hạn giao đất là 20 năm. Thế nhưng, hơn hai năm qua, khi người dân bắt đầu làm đất xuống giống sắn, mía, hoa màu trên diện tích đất được cấp, thì RVT bắt đầu gây sức ép…

Ông Nguyễn Văn Hưng (nông dân ở Phong Hậu) bức xúc: “Năm 2014, gia đình tôi được UBND huyện Phú Hòa cấp 8.600m2 đất sản xuất. Thế nhưng khi đã làm làm đất xong, xuống giống mía vừa nhú mầm thì RVP đã cho xe ủi đến phá tan nát! Báo cáo chính quyền thì họ chỉ đến lập biên bản rồi chẳng thấy động tĩnh gì”.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh - Chủ tịch UBND xã Hòa Hội, trong số 119 hộ dân được giao đất trong đợt trên, chỉ duy nhất một hộ không bị RVP cản trở sản xuất, vì hộ này có hợp đồng bán mía cho RVP. Ông cũng thừa nhận, địa phương đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý tình trạng “phức tạp quá mức” này.

Công an vào cuộc

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Ngọc Tính - Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, khu vực đất 89,3ha trên đã được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo thực hiện giao đất cho dân sản xuất; RVP không liên quan gì đến diện tích đất này mà lại ngăn cản, phá cây trồng, rồi chiếm dụng trái phép.

“Sai phạm của RVP đã có dấu hiệu hình sự rõ ràng. Cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành thu thập chứng cứ, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm theo luật định” - ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, diện tích đất trên trước đây tỉnh đã cho một doanh nghiệp ở TP.HCM thuê theo hình thức trả tiền hằng năm, không được phép chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, công ty này không tổ chức sản xuất như cam kết mà sang nhượng cho RVP nên năm 2007, UBND tỉnh Phú Yên thu hồi. Thời điểm đó, chính quyền Phú Yên cũng có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng, không công nhận các nội dung khiếu nại của RVP…

Cũng như lãnh đạo xã Hòa Hội, ông Chủ tịch huyện Phú Hòa thừa nhận chính quyền đã thiếu cương quyết nên sự việc kéo dài như vậy. UBND Phú Hòa đã xin ý kiến tỉnh, cân nhắc “vẹn toàn” quyền lợi DN và người dân; tuy nhiên, bất kỳ ai sai phạm cũng phải bị xử lý triệt để, không để tiếp tục phát sinh phức tạp…

Doanh nghiệp nói gì?

Để rộng đường dư luận, chiều 31.5, PV báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với bà Bùi Thị Quy – Giám đốc Công ty Rượu Vạn Phát về vụ việc này. Ngay khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên, bà Quy tỏ ra rất bức xúc về những thông tin đăng trên các báo mấy ngày nay. “Không bao giờ có chuyện đó. Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất từ nông sản của người dân, tại sao lại đi phá hoa màu của dân?” – bà Quy khẳng định.

img

Chiếc máy cày “thủ phạm” phá hoa màu ngày 27.5.2016, tại trụ sở UBND xã Hòa Hội. Ảnh Hùng Phiên

Vị lãnh đạo RVP cho rằng, tất cả là sự vu khống trắng trợn. “Nói chúng tôi phá hoại hoa màu, vậy bằng chứng đâu, có ai quay phim chụp ảnh không? Chưa nói UBND xã bắt giữ xe của chúng tôi là trái pháp luật. Chúng tôi sẽ khiếu nại chuyện này”.

Theo bà Quy, mảnh đất mà RVP bị tố phá hoại hoa màu chính là của Công ty, thuê lại từ Công ty Hải Vân, có hợp đồng hẳn hoi. Việc RVP thuê lại đất của Công ty Hải Vân là đúng luật bởi hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên vẫn chưa giải quyết xong việc thu hồi đất của Công ty Hải Vân (thời hạn 50 năm).

“Huyện đã đẩy dân vào tình thế đối đầu với DN bằng cách giao đất cho dân mà chưa thu hồi. Chúng tôi đã bỏ gần 18 tỷ đầu tư nông sản trên khu đất này rồi, nếu bị thu hồi đáng lẽ cũng phải đền bù cho DN chứ?” – bà Bùi Thị Quy đặt câu hỏi xong và cho biết, sẽ khiếu kiện vụ việc lên cấp cao hơn.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin sự việc đến bạn đọc.