Dân Việt

TP. Hồ Chí Minh: Bồn nước tập trung bị chê lãng phí hàng tỷ đồng

Trần Đáng 01/06/2016 21:48 GMT+7
Hàng tỷ đồng đã được chi để mua sắm, lắp đặt bồn nước tập trung cho người dân ở các khu vực ngoại thành TP.HCM bị thiếu nước sạch. Tuy nhiên, người dân lại không sử dụng, dẫn tới hàng loạt bồn chứa nước bị lãng phí.

Dân chê nước tập trung

Tính đến nay, Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn đã thực hiện lắp đặt gần 500 bồn nước tập trung cung cấp cho gần 23.000 hộ dân tại 11 xã: Thái Mỹ, Phước Thạnh, Phước Hiệp, Bình Mỹ, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ, Phú Mỹ Hưng, An Phú, Phạm Văn Cội, Nhuận Đức, An Nhơn Tây (Củ Chi). Theo đánh giá của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn, hiện số hộ sử dụng nước bồn và khối lượng nước tại các bồn được sử dụng rất thấp.

img

Bồn nước tập trung được lắp đặt tại nhà ông Lại Khánh Trắng (ấp 3, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cung cấp nước sạch cho khoảng 40 hộ dân xung quanh. Ảnh: T.Đ

Mới đây, qua các buổi giám sát tình hình cung cấp nước sạch tại các huyện ngoại thành, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh người dân nhất thiết phải được tiếp cận với nước sạch, đó là một trong những yếu tố tạo nên chất lượng sống tốt theo mục tiêu mà thành phố đang hướng đến.

Ông Đoàn Văn Xuân (ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây) cho biết, chưa khi nào ra bồn chứa nước tập trung lấy nước sạch về dùng. Xưa nay gia đình ông chỉ dùng nước giếng khoan. Hầu hết người dân ở đây cũng thế. Ngay cả trong mùa khô hạn họ cũng ít khi phải đi lấy nước ở bồn tập trung về dùng. “Một số bà con nói nước ở bồn không trong lại có mùi nước máy nên tôi cũng không muốn dùng” - ông Xuân nói. Vừa qua, tại xã Đông Thạnh (Hóc Môn) cũng được lắp đặt 5 bồn nước tập trung, phục vụ nước sạch cho 200 hộ dân trong xã, nhưng theo chính quyền địa phương bồn nước tập trung chỉ đáp ứng nhu cầu của rất ít hộ dân.

Bà Nguyễn Thị Lan – một người dân trong diện đang được thụ hưởng nguồn nước này cho biết, lâu nay gia đình bà dùng nước giếng cho sinh hoạt gia đình và sản xuất quen rồi, giờ dùng nước từ bồn tập trung không quen, lại tốn kém.

Tập trung vận động

Theo UBND huyện Củ Chi, việc người dân sử dụng nước ở các bồn tập trung chưa cao do địa điểm lắp các bồn chưa hợp lý, có nơi còn xa khu dân cư; đa số sử dụng là người lao động nên không có thời gian để đến điểm tập trung lấy nước; gặp khó khăn trong việc vận chuyển… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu vẫn là người dân quen sử dụng nước giếng khoan và ngại thay đổi.

Theo ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch UBND  huyện Củ Chi, việc cần làm ngay bây giờ là tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc sử dụng nước sạch từ các bồn nước tập trung, cũng như thấy rõ những tác hại của việc sử dụng nước không hợp vệ sinh. “Trước mắt các ban ngành đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải có giải pháp, kế hoạch phối hợp tuyên truyền đồng bộ. Bên cạnh đó, những bồn nước đã được xây dựng và đưa vào sử dụng phải được bảo quản tốt, đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng bồn nước xây xong người dân không sử dụng nước sẽ gây lãng phí” - ông Đức nói.

TP.HCM vừa ban hành kế hoạch cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn thành phố năm 2016. Theo đó, năm 2016 sẽ cấp nước sạch cho gần 230.000 hộ dân, nâng tổng số hộ dân được cấp nước sạch toàn thành phố lên trên 1,9 triệu hộ. UBND TP.HCM cũng đề nghị các địa phương quan tâm, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, thói quen sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của người dân và có giải pháp triển khai đồng bộ, phù hợp với phân bố dân cư hiện nay.

Bà Giao Thị Yến - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn cho rằng để tránh lãng phí công sức, tiền của cho việc lắp đặt bồn nước tập trung, chính quyền cơ sở cũng cần tham gia tích cực vì đó là nơi gần dân nhất, nắm rõ nhu cầu của bà con nhất.