Đó là thông tin được TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh đưa ra tại hội thảo giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành – phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc tổ chức ngày 31.5.
Nan giải đủ đường
Khán giả xếp hàng mua vé tại Trung tâm Chiếu phim phim quốc gia (Hà Nội). Ảnh: Mỵ Lương
Đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu, trong đó 457 phòng chiếu phim được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K. |
“Việc phát hành tại các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói chung (trừ Trung tâm Chiếu phim quốc gia), đều mang màu sắc ảm đạm. Dù Cục Điện ảnh đã rất nỗ lực, nhưng không thể đảm bảo trọn vẹn nguồn phim cho trung tâm phát hành. Nhiều rạp phim tại một số địa phương trong tình trạng báo động đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác”- bà Phương Lan cho biết.
Từ thực tế địa phương, ông Vũ Quang Huy – Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình đưa ra thực trạng, trang thiết bị tại rạp chưa có đủ tiêu chuẩn để chiếu phim của các hãng nổi tiếng, phim chất lượng cao. Trong khi đó, phim thuê của Công ty Điện ảnh Vinacinema chiếu tại rạp Ninh Bình thường chậm hơn so với ngày phim phát hành từ 1-2 tháng.
Ông Dương Văn Biên – Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn cho biết, từ năm 2013 đến nay doanh thu và lượng khán giả đến rạp Lạng Sơn ngày càng thưa vắng. Trong khi đó, nguồn phim tại rạp khan hiếm, các bộ phim được chiếu tại rạp đã cũ từ 6-9 tháng so với các cụm rạp lớn tại thành phố trong cả nước. Tình trạng “phim mới thành cũ” dẫn đến tính hấp dẫn của phim không còn dẫn đến lượng khán giả đến rạp giảm, năm 2015 chỉ được hơn 5.000 lượt người, doanh thu gần 200 triệu đồng. So với năm 2011, lượt người xem giảm gần gấp 3 lần (14.046 lượt người xem).
Chung quan điểm với ông Biên, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh – Giám đốc Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng Vĩnh Phúc cho hay, đối tượng phục chủ yếu là nhân dân địa phương, học sinh, sinh viên, công nhân ở trung tâm TP.Vĩnh Yên và một số khu vực đông dân lân cận. Tuy nhiên, phần lớn hiện nay là phim Việt Nam, các bộ phim ngoại được giới trẻ (chiếm 80% khán giả) quan tâm thì địa phương không có bản quyền sử dụng dẫn đến việc phim chiếu không thu hút khán giả đến xem.
Phải có nguồn phim
Từ tình hình thực tế của địa phương, ngoài chất lượng phim, trang thiết bị cần được nâng cao, cũng đòi hỏi đội ngũ biên chế của trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tại địa phương phải đảm bảo. Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Vĩnh Phúc chỉ có 8 người trong đó có 4 lãnh đạo (1 giám đốc, 3 phó giám đốc), bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh – Giám đốc Trung tâm Phát hành và Chiếu Bóng Vĩnh Phúc đưa ra đề xuất: “Cần bổ sung 5 biên chế viên chức và 10 lao động hợp đồng để đảm bảo nhiệm vụ được giao”.
Còn ông Hồ Thanh Thoan - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Quảng Trị cho rằng, việc quan trọng là thống nhất về quy mô phát hành phim và chiếu bóng. "Tuyệt đối không sát nhập vào trung tâm văn hóa, thể thao hoặc các cơ sở văn hóa khác để chiếu phim, tránh sử dụng sai mục đích. Cục Điện ảnh phải điều tiết nguồn phim, nhất là phim Việt Nam để có thể thực hiện tỷ lệ buổi chiếu phim truyện Việt Nam tại rạp là 30%”.
Đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Làm thế nào để thu hút khán giả đến các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tại địa phương?”, theo ông Trần Hồng Tuyến - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Sơn La, cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương đó. “Nhu cầu đòi hỏi của người dân vùng núi rất cao. Trong khi đất của điện ảnh bàn giao hết cho những đơn vị khác sử dụng. Tôi mong bố trí quỹ đất ở vị trí thích hợp để tiến tới xin kinh phí trung ương và dùng vốn đối ứng của tỉnh xây dựng trước hết là 1 rạp chiếu phim tại TP. Sơn La, có lộ trình cụ thể để phát triển” - ông Tuyến cho biết.