Vụ muối năm nay, bà con diêm dân ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ đang rất lo lắng vì… được mùa, từ đó kéo theo giá muối giảm thê thảm, chỉ còn vài trăm đồng/kg.
1 tấn muối lãi 4 bát phở!
Nỗi buồn của diêm dân ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) vì muối ế, giá bán quá thấp khiến họ phải bỏ hoang ruộng sản xuất. Ảnh: Huỳnh Sử
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bến Tre, hiện nay giá muối trên địa bàn tỉnh dao động từ 220-290 đồng/kg, là mức thấp kỷ lục trong vòng 8 năm qua. Sau khi trừ chi phí, diêm dân bán 1 tấn muối chỉ lời 100.000 đồng, tương đương 4 bát phở bò bình dân.
Giá muối xuống thấp làm cho đời sống của gần 2.000 hộ diêm dân ở Bến Tre gặp nhiều khó khăn, vì kinh tế chủ yếu của người dân dựa vào muối và sản xuất nông nghiệp khác nhưng do hạn mặn nên cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại. Cũng do giá muối quá thấp lại tiêu thụ chậm khiến cho lượng muối tồn kho trong tỉnh lên trên 65.000 tấn, một bộ phận diêm dân đã bỏ nghề đi làm thuê.
Diêm dân tại xã Tri Hải và thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cũng đang bước vào chính vụ thu hoạch muối, nhưng với 1 tạ muối khoảng 25.000 đồng, khiến nhiều hộ gia đình lao đao, tính bỏ nghề. Ông Diệp Á (thị trấn Khánh Hải) than, gia đình ông gắn bó với nghề làm muối từ những năm 1960, nghề này ngày trước cũng giúp cho cuộc sống của gia đình tương đối ổn định, con cái trưởng thành cũng nhờ cánh đồng muối. Năm nay, đang bước vào thu hoạch thì hay tin giá muối chỉ còn 250 đồng/kg. Gia đình ông có trên 7,2 sào muối, do giá thấp nên ông bỏ hoang hết 5 sào. Trên diện tích 2,2 sào, ông vừa thu hoạch được 3 tấn muối, bán tại ruộng 250 đồng/kg, thu hơn 700.000 đồng.
Giá muối xuống thấp trong khi đó công lao động thu hoạch muối tăng lên từ 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Để thu hoạch 2,2 sào muối, ông Á phải thuê 3 lao động nam với chi phí gần 500.000 đồng. “Ngoài chi phí thuê công lao động, tôi còn phải trả thêm chi phí tiền điện, tiền nước, nên vụ này gia đình tôi lỗ nặng”- ông Á nói. Cũng theo ông Á, giá muối rớt thảm, nhiều hộ xung quanh nhà ông gần như đã bỏ hoang ruộng.
Chúng tôi tìm đến cánh đồng muối rộng lớn xã Tri Hải. Đang gom từng hạt muối lại, anh Nguyễn Hữu Phương buồn bã chia sẻ, gia đình làm 3,5 sào muối, ước đạt hơn 4 tấn, thu nhập gần 1 triệu đồng, chưa bằng một nửa năm trước. Theo anh Phương, năm nay nắng nóng kéo dài, bà con trúng muối nhưng thị trường tiêu thụ chậm nên giá bán thấp. Với giá bán năm trước dao động từ 500 – 700 đồng/kg thì gia đình mới có chút lãi.
Chưa tìm được giải pháp
Những ngày cuối tháng 5.2016, trên cánh đồng muối Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), cái nắng cháy da đã khiến những ruộng muối bỏ hoang nứt nẻ chằng chịt, đất khô cằn. “Giá muối chỉ còn 500 đồng/kg, cào được bao muối khoảng 40kg đã đổ biết bao mồ hôi nhưng bán chỉ được vỏn vẹn 20.000 đồng”- ông Võ Sẵn (58 tuổi) chua xót.
Thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, vựa muối Sa Huỳnh có 120ha của 587 diêm dân. Đến cuối tháng 5.2016, có khoảng 30ha diện tích ruộng muối bỏ hoang và người làm muối bỏ xứ đi làm thuê nơi khác.
Bỏ hoang 3.000m2 đồng muối, lão nông Nguyễn Nhà (65 tuổi) cay đắng cho hay: “Mấy năm gần đây, làm chẳng đủ ăn và vụ mùa nào cũng lỗ vốn. Đến vụ mùa năm nay, các con tôi bỏ đi làm thuê ở xa, bỏ lại bố mẹ già ở nhà và bỏ hoang ruộng muối. Tôi cầu mong giá muối tăng trở lại thì con cái mới trở về thôi”. Bà Nguyễn Thị Minh (thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh) buồn rầu cho hay: “Để lấy tiền trang trải cho gia đình, gần 3 ngày qua tôi đã đi đến nhiều nơi trong vùng để kêu người đến mua. Tuy nhiên các thương lái vẫn cứ ậm ừ”.
Ông Lê Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Tri Hải (Ninh Thuận) cho biết, toàn xã có 350ha sản xuất muối của 280 hộ. Năm trước, giá muối làm ruộng đất truyền thống từ 500.000 – 700.000/tấn và muối trải bạt từ 800.000 – 1 triệu đồng/tấn. Năm nay giá muối thấp- muối làm trong ruộng đất chỉ còn 250.000 – 300.000 đồng/tấn và muối trải bạt còn 450.000 đồng/tấn, khiến hàng trăm diêm dân lâm cảnh khó khăn.
Cả ông Tiên và ông Phạm Ngọc Thương – Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải đều cho biết, giá muối dao động theo nhu cầu thị trường, hiện chính quyền vẫn chưa tìm được giải pháp nào khả dĩ để giúp diêm dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Ông Trịnh Hoàng Be - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) - địa phương có 630ha đất muối, chiếm gần 40% diện tích muối của tỉnh Bến Tre - kiến nghị các ngành có liên quan quan tâm tìm đầu ra cho diêm dân, giải quyết lượng muối tồn kho quá lớn.
Trước việc muối ế và giá thấp thê thảm, diêm dân phải bỏ hoang đồng muối để làm thuê tứ phương, ông Giả Tấn Tàu - Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Quảng Ngãi) lo âu: Nếu như tình trạng này kéo dài, vài vụ sau nữa, thương hiệu muối Sa Huỳnh có nguy cơ bị xóa sổ...