Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty luật SBLAW (Hà Nội) trả lời:
Hành vi vi phạm và chế tài xử lý vi phạm việc buôn bán thuốc BVTV hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên quy định này còn bỏ lọt một số hành vi vi phạm mà lẽ ra phải được xử lý; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc xử lý của cơ quan chức năng…
Bởi vậy, ngày 6.5.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2016/NĐ-CP thay thế nghị định trên. Ngoài việc quy định chi tiết hơn hành vi vi phạm với chế tài xử lý tương ứng, còn bổ sung thêm một số hành vi bị coi là vi phạm như: Bán thuốc BVTV dùng để xông hơi khử trùng cho người không có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc tổ chức không có giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; buôn bán thuốc BVTV trong thời gian đang bị đình chỉ hoạt động buôn bán, tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV (điểm d, e khoản 3, Điều 25 Nghị định 31/2016/NĐ-CP)…
Luật sư Nguyễn Thanh Hà.
Điểm khác biệt lớn nhất mà quy định cũ không có là quy định mới đã đưa ra “ngưỡng” vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này chỉ ra rằng nếu anh vi phạm vượt ngưỡng đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mặt khác đây cũng là căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự về “tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo quy định tại Điều 155 BLHS.
Cụ thể: Khoản 8, Điều 25, Nghị định 31/2016/NĐ-CP quy định: Hành vi buôn bán thuốc BVTV trong danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam có khối lượng trên 50kg (hoặc 50 lít) thuốc thành phẩm, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền đến 50.000.000 đồng.