Tư vấn khởi nghiệp làm ăn
Từ năm 2000, ông Định cùng các ngành chức năng đã hướng dẫn khởi nghiệp cho thanh niên là con em thôn Hòa Hiệp vào Nam lập nghiệp, trong đó có nghề làm da giày. Một số nhờ chí thú làm ăn, giờ đã vươn lên trở thành chủ cơ sở sản xuất mặt hàng này, hình thành nên làng giày, dép da ở quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Mỗi cơ sở tư nhân này tập hợp từ 7-30 lao động làm nghề.
Ông Phan Văn Định (phải ) giới thiệu máy bơm nước cải tiến của anh Lê Văn Thành.
Ảnh: Đào Minh Trung
Thời gian qua, ông Phan Văn Định đã tham gia cùng thôn giải quyết êm thấm, dứt điểm 7 - 8 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015”. Ông Nguyễn Thanh Giang - Chủ tịch Hội ND xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) |
Ông Định cho biết: “Toàn thôn có 6 xóm với 800 hộ dân, trong đó có tới 400 hộ có con em là chủ cơ sở sản xuất giày, dép da ở TP.Hồ Chí Minh. Có đến 80% số hộ trong thôn có ít nhất một người làm ở các cơ sở này. Có hộ có tới 6 lao động từ làm thợ, rồi đều trở thành chủ cơ sở và có thu nhập khá”.
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Nguyễn Thủ, xóm 2, thôn Hòa Hiệp cho biết: “Gia đình tôi hiện có 6 người con, đều là chủ cơ sở làm giày, dép da ở quận 8, TP.Hồ Chí Minh. Cách đây hơn chục năm, các cháu được ông Định tư vấn vào Nam làm nghề này…”.
Theo ông Định, giúp lao động trẻ khởi nghiệp thành công ở thành phố cũng là giúp cho quê hương phát triển. “Hàng năm, bình quân mỗi con, em làm thợ gởi tiền về cho gia đình vài ba chục triệu đồng. Hầu hết đường làng, ngõ xóm đã được bà con đóng góp bê tông hóa, văn minh hơn hẳn trước…”.
Khuyến khích sáng tạo
Ở thôn Hòa Hiệp, anh Lê Văn Thành, 39 tuổi, nông dân có tay nghề cơ khí bậc 4/7, là tác giả của 2 nông cụ phục vụ nhà nông. Đó là chiếc máy làm đất đa năng và chiếc máy bơm nước. Ông Định đã tư vấn, hướng dẫn anh Thành đăng ký dự thi và đã đoạt giải 3 cấp tỉnh trong hội thi sáng tạo nhà nông do Hội ND tỉnh tổ chức.
Ngoài ra, ông Định còn thành công trong việc động viên, giúp đỡ anh Trần Trọng Dũng, xóm 4 tái hòa nhập cộng đồng.
Chuyện là vào năm 2009, anh Dũng bị kết án “cố ý gây thương tích chết người”. Cải tạo tốt, sau khi chấp hành án tù 6 năm và được ân xá tha tù trước thời hạn, anh Dũng trở về địa phương, gia cảnh khó khăn, việc làm không có. Hay chuyện, ông Định đã đến nhà động viên. Ông tham mưu với Chi bộ, Trưởng thôn tạo điều kiện giúp anh Dũng vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò sinh sản. Đến nay, gia đình anh Dũng đã gây dựng đàn bò 4 con, trước đó đã bán vài con bê. Có vốn tích lũy, anh Dũng sắm thêm máy cày mở dịch vụ làm đất, vận chuyển hàng hóa. Năng động trong sinh kế, gia đình anh Dũng đã có thu nhập ổn định, hòa nhịp với cuộc sống của người dân địa phương.