Dân Việt

Vùng đất “đệ nhất chè” và giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao

Khánh Ngân 03/06/2016 06:24 GMT+7
Được ví là vùng “đệ nhất chè”, những năm qua tỉnh Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh sản xuất cây chè hàng hóa và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Thái Nguyên lại có thêm điều kiện thuận lợi để đưa nông nghiệp tiến thêm một bước, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng 7 vùng chè trọng điểm

img

Vùng chè Thái Nguyên có nhiều giống chè nổi tiếng thơm ngon, năng suất bình quân đạt 160 tạ
búp tươi/ha/năm. Ảnh: T.L

Một số kết quả nổi bật

3.388 tỷ đồng là tổng vốn ngân sách đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015.
2.000 tỷ đồng là tổng vốn đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.
208.200 tấn xi măng đã được tỉnh hỗ trợ cho các xã để thực hiện trên 1.000km đường giao thông nông thôn.
346ha là diện tích đất nhân dân toàn tỉnh đã hiến.

Theo Sở NNPTNT Thái Nguyên, toàn tỉnh hiện có khoảng 21.100ha chè, sản lượng bình quân 195.000 tấn/năm. Tỉnh đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên và hiện có 775 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Tuy nhiên, có một thực tế là ngành chè trên địa bàn vẫn chủ yếu sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trình độ sản xuất của người trồng chè còn nhiều hạn chế. Thái Nguyên cũng chưa có quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh mới có 640ha chè VietGAP...

Ông  Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết, để ngành chè nói riêng và nông nghiệp Thái Nguyên phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đòi hỏi các cấp, ngành liên quan phải có lộ trình thích hợp. Theo đó, trong giai đoạn này tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết, từng bước xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa cho thu nhập cao; đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn...

Riêng đối với cây chè, ông Dũng cho biết một trong những giải pháp mang tính đột phá là tỉnh sẽ tăng nhanh diện tích sản xuất chè an toàn để đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có trên 16.800ha chè an toàn; xây dựng mô hình chế biến chè công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng tại 7 vùng sản xuất chè tập trung theo hướng công nghệ cao ở các huyện trọng điểm như huyện Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Đồng Hỷ, Phổ Yên và TP.Thái Nguyên.

Đầu tư 3.388 tỷ đồng cho nông thôn mới

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên đạt 3.388 tỷ đồng, chiếm gần 45% tổng chi ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản. Nguồn vốn trên đã được tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho những xã gần về đích và các xã đặc biệt khó khăn. Đối với những xã điểm, tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, các xã còn lại được hỗ trợ 600 triệu đồng.

Dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn ngân sách T.Ư hỗ trợ cho xây dựng NTM của Thái Nguyên khoảng 294,8 tỷ đồng. Tỉnh Thái Nguyên cũng phấn đấu sẽ có 70% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. 

Để giúp các huyện chủ động cân đối ngân sách, huy động nguồn lực của địa phương, tỉnh đã thực hiện cơ chế hỗ trợ theo từng vùng. Theo đó, các huyện đặc biệt khó khăn như Võ Nhai, Định Hóa, Phú Bình được ngân sách hỗ trợ 80%, các địa phương còn lại hỗ trợ từ 60 - 70%, riêng TP.Thái Nguyên và thị xã Sông Công được hỗ trợ 50%.

Để nâng cao hiệu quả cơ chế hỗ trợ, Thái Nguyên đã triển khai chương trình mua xi măng trả chậm. Ông Nguyễn Văn Thái - Phó Giám đốc Sở KHĐT cho biết, phương án này đã được nhân dân đồng tình ủng hộ rất cao. Sau 4 năm (2012-2015), đã có 208.200 tấn xi măng được tỉnh hỗ trợ cho các xã để xây dựng trên 1.000km đường giao thông nông thôn.

Phương án hỗ trợ xi măng đã góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng NTM tại các địa phương, tạo nguồn vốn “mồi” để huy động người dân đóng góp trên 887 tỷ đồng, tham gia gần 2 triệu ngày công lao động, hiến 346ha đất... Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn gỡ “thế bí” trong tiêu thụ sản phẩm. 

Đánh giá về hiệu quả của chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Thái cho hay: “Việc “mạnh tay” đầu tư cho chương trình xây dựng NTM đã đem đến sự thay đổi rõ rệt cho diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhất là về cơ sở hạ tầng. Hiện nay toàn bộ các xã đã có đường bê tông đến trung tâm, đạt chuẩn về y tế, trụ sở làm việc được đầu tư khang trang, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt”.