Dân Việt

Trẻ em cấp tập nhập viện vì viêm màng não mùa nắng nóng

Diệu Linh 02/06/2016 18:13 GMT+7
Nắng nóng, trẻ em có sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, bị virus tấn công nên nguy cơ bị viêm não, viêm màng não khá cao.

Ngày 2.6, bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phụ trách khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay trung bình mỗi ngày khoa này tiếp nhận 3-4 ca viêm màng não, thậm chí có ngày gần 10 ca. Cụ thể như ngày 30.5 có tới 8 ca viêm màng não trong tổng số 16 ca nhập viện.

Bác sĩ Nam cho biết, viêm màng não chủ yếu do virus. Tuy nhiên, để tìm được căn nguyên do virus gì thì phải xét nghiệm rất phức tạp. Chủ yếu các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng viêm màng não cho trẻ. Trẻ bị viêm màng não có thể khỏi bệnh và không để lại di chứng.

Theo các bác sĩ, viêm màng não và viêm não có các triệu chứng tương tự nhau nhưng viêm màng não là viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống, còn viêm não là nhiễm trùng thần kinh cấp tính, thường do virus xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây hoại tử nhu mô não. Do đó, trong khi viêm màng não có thể điều trị khỏi và ít để lại di chứng thì viêm não có tỷ lệ tử vong khá cao hoặc có nhiều di chứng nguy hiểm như liệt, chậm phát triển trí tuệ… do tổn hại thần kinh.

img

Bác sĩ khám bệnh tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai ngày 2.6 (Ảnh: Diệu Linh).

Bác sĩ Nam cho biết, thời tiết nắng nóng khiến người dân mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, cơ thể mỏi mệt, kém ăn, sức đề kháng giảm. Do đó dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá, hô hấp và các bệnh viêm não, viêm màng não. Đặc biệt vi trùng gây viêm màng não thường lây qua đường mũi, họng nên dễ đi vào máu và đến cư trú ở lớp màng bao bên ngoài não và “tấn công” khu vực này.

PGS-TS Nguyễn Văn Kinh, Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư nhận định, hiện nay là mùa vải nên nguy cơ trẻ em mắc bệnh viêm não Nhật Bản tăng hơn. Nguyên nhân không phải vì “ăn vải bị viêm não” mà do loài chim điếu điếu mang bọ ve có virus viêm não lại thích ăn quả vải. Chúng “thả” bọ ve lên quả vải hoặc các khu vực xung quanh vùng cây vải, sau đó bọ ve dính lên người hoặc vào lợn, khiến cho các đối tượng này nhiễm virus. Muỗi đốt người hoặc lợn có virus lại đem truyền virus viêm não tới trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay viêm não Nhật Bản có vaccine dự phòng nên chỉ cần tiêm chủng đầy đủ, trẻ em sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bị mắc viêm não Nhật Bản.

“Các triệu chứng viêm não- viêm màng não rất dễ nhận biết như sốt, nôn, đau đầu, cứng gáy nặng hơn thì có thể hôn mê, rối loạn ý thức. Do đó, nếu cha mẹ thấy con có các triệu chứng sốt cao, nôn, đau đầu thì cần đưa đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm” - bác sĩ Nam khuyến cáo.