Dân Việt

Chạy thận, thụ tinh nhân tạo tại… bệnh viện huyện

Diệu Linh 03/06/2016 06:15 GMT+7
Nhiều kỹ thuật điều trị khó trước đây chỉ thực hiện ở các bệnh viện (BV) trung ương thì nay bệnh viện huyện đã làm được, đem lại cơ hội điều trị cho người nghèo, giảm chi phí đi lại.

Đưa “trung ương” về huyện

Ngày 2.6, bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc BV Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La) cho biết, BV đã thực hiện thành công ca thụ tinh nhân tạo thứ 3 sau gần 1 năm đưa vào ứng dụng kỹ thuật này. Theo bác sĩ Kỳ, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo mà BV thực hiện mới chỉ đơn giản là lọc tinh trùng, bơm vào tử cung, tuy nhiên kỹ thuật này nhiều BV tỉnh cũng chưa làm được.

Bác sĩ Kỳ cho biết, theo các nghiên cứu thì khoảng 10% dân số Việt Nam bị vô sinh, do đó, nhu cầu điều trị vô sinh của người dân địa phương khá cao. Tuy nhiên, để thực hiện thụ tinh nhân tạo, người dân mất rất nhiều thời gian làm xét nghiệm, theo dõi quá trình rụng trứng… Có nhiều cặp vợ chồng phải “ăn dầm nằm dề” ở Hà Nội 4-5 tháng trời mới thụ tinh xong, nếu thất bại lại phải quay lại, tiếp tục chờ đợi… Cuộc sống và công việc sẽ đảo lộn hoàn toàn. Nhưng nếu đưa kỹ thuật này về địa phương, người dân hoàn toàn có thể sáng đến viện, chiều về nhà.

img

 Một ca phẫu thuật nội soi khớp gối tại BV Mộc Châu. Ảnh: BSCC

Ngoài ra, BV Mộc Châu còn thực hiện nhiều kỹ thuật cao có “tầm cỡ” tỉnh, T.Ư như: Thay khớp háng toàn phần, mổ nội soi tái tạo dây chằng chéo khớp gối…

Bác sĩ Kỳ cho biết, kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối khá khó và đa dạng vì mỗi bệnh nhân có thương tổn khác nhau. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ BV Việt Đức “cầm tay chỉ việc” một thời gian, các bác sĩ tại đây cũng đã thực hiện thành công. Theo bác sĩ Kỳ, 5 năm qua (từ 2011-2015), BV Mộc Châu đã triển khai được 40 kỹ thuật mới, khó như kỹ thuật siêu âm tim mạch máu, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật gãy ức xương phức tạp, phẫu thuật nối mạch máu cấp cứu…

“Nhờ đó, hàng nghìn bệnh nhân ở Mộc Châu và các huyện lân cận đã không phải trèo đèo, vượt suối về xuôi để điều trị bệnh, giảm được rất nhiều chi phí cho người dân. Đồng thời cũng hạn chế được nhiều ca biến chứng, tử vong nhờ được cấp cứu, điều trị kịp thời” – bác sĩ Kỳ cho biết. BV Mộc Châu đang cử bác sĩ đi học phẫu thuật sọ não và hy vọng sớm đưa kỹ thuật này vào ứng dụng.

Cũng ở khu vực miền núi, BV Đa khoa huyện Simacai (tỉnh Lào Cai) đã chuyển giao thành công kỹ thuật chạy thận nhân tạo từ cuối năm 2015. Từ đó đến nay đã có 12 bệnh nhân suy thận điều trị ngay tại BV mà không phải đi xa. Đây là BV huyện miền núi đầu tiên thực hiện được kỹ thuật này.

Ông Nguyễn Phi Hùng – Phó phòng Điều dưỡng (BV Simacai) cho biết, trước đây, các bệnh nhân suy thận đều phải “khăn gói” vượt hơn 400km về BV T.Ư ở Hà Nội. Bệnh nhân nặng cứ 2 ngày lọc máu 1 lần, nhẹ cũng 1 tuần đôi ba bận. Do đó, các bệnh nhân suy thận phải sống vật vờ quanh BV, xa người thân, cuộc sống khó khăn, cô đơn. Nhưng nay các bệnh nhân đã có thể điều trị ngay cạnh nhà. Một số bệnh nhân ở Mường Khương, Xín Mần (Hà Giang) hoặc Bắc Hà (Lào Cai) cũng về Simacai để chạy thận vì so với đến BV tỉnh cũng gần hơn 1/2-1/3 quãng đường.

Mới đây, BV quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) đã thực hiện thành công  kỹ thuật “Nút hóa chất động mạch TACE: Cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u”. Kỹ thuật này có nhiều ưu điểm, giảm đau đớn, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Đây là một kỹ thuật khó mới chỉ được thực hiện tại các BV chuyên khoa ung bướu tuyến T.Ư. Hầu hết các BV tỉnh cũng mới chỉ “mơ ước” nhưng BV quận Thủ Đức đã mạnh dạn biến ước mơ thành hiện thực.

Đầu tư cho “xương sống”

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, hơn 70% số bệnh nhân vượt tuyến ở T.Ư có thể điều trị ngay ở tuyến dưới; 81,8% số bệnh nhân vượt tuyến ở tỉnh có thể điều trị ở huyện, xã và 67,9% số bệnh nhân vượt tuyến ở huyện có thể điều trị ở ngay tuyến xã. Thậm chí nhiều người dân chỉ viêm họng, cảm sốt chỉ cần điều trị ở xã nhưng cứ thích vượt thẳng lên T.Ư. Để giảm tải cho tuyến trên, đồng thời giúp người dân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao được dễ dàng hơn, tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, xu hướng hiện nay là đầu tư cho y tế cơ sở.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, việc đầu tư cần đồng bộ, đầu tư ở nơi có nhu cầu thực sự, khả năng thực sự chứ không nên đầu tư dàn trải, lãng phí.

img

Một ca điều trị vô sinh tại BV Mộc Châu.

Bác sĩ Vi Hồng Kỳ cho biết, việc thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao giúp BV thu hút được nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tiêu chuẩn của bệnh viện chỉ 150 giường, nhưng thực kê đã lên tới 325 giường vẫn chưa đủ chỗ cho bệnh nhân. Có lúc bệnh viện tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân nội trú. BV đang cử bác sĩ đi học phẫu thuật sọ não để giúp cứu sống các ca bệnh cấp cứu vì chấn thương sọ não. Vì nếu di chuyển các ca bệnh sọ não xuống tỉnh, T.Ư sẽ rất nguy hiểm, tỷ lệ sống rất thấp. Tuy nhiên, BV lại chưa có tiền để mua máy chụp CT – loại máy cần thiết cho phẫu thuật sọ não.

Còn theo ông Nguyễn Phi Hùng, BV Simacai mới có 1 máy chạy thận nên mỗi ngày chỉ lọc máu cho 4 bệnh nhân, chạy cả 30/30 ngày của tháng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. BV dự định đầu tư thêm 1 máy chạy thận nữa. Hiện, BV Simacai cũng thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến như mổ phẫu thuật cổ xương đùi, mổ niệu quản, mổ cắt mật bảo tồn gan… Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, “làm tốt” quá cũng khổ vì bệnh nhân quá đông. Hiện giường chỉ tiêu của BV Simacai là 900, nhưng bệnh nhân lúc nào cũng trên 1.500 người. Việc thu hút bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ giỏi cũng khó khăn dù đãi ngộ lương thưởng không kém.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2013 đến nay đã có hàng trăm bệnh viện tuyến huyện được chuyển giao kỹ thuật, hàng nghìn kỹ thuật đã được ứng dụng lại cơ sở, đem lại lợi ích cho người bệnh; 37,5% các BV vệ tinh giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai – BV “mẹ” đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV vệ tinh, nhận định, vấn đề nan giải hiện nay là nhiều BV vệ tinh thiếu nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ giỏi ở các chuyên ngành. Do đó, một số BV được chuyển giao kỹ thuật nhưng không có người thực hiện hoặc chưa dám thực hiện. Còn tại các BV vệ tinh làm tốt thì ngay sau khi được chuyển giao kỹ thuật thành công đã quá tải bệnh nhân, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị lại đầu tư không kịp.

“Đề án BV vệ tinh chỉ tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ nhưng lại chưa có phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong khi đó, đối với y tế, đây là hai vấn đề quan trọng như nhau. Nếu chỉ có bác sĩ giỏi mà không có máy móc tốt thì các BV cũng bó tay” – TS Quốc Anh khẳng định.