Dân Việt

Đường làm chưa xong đã đặt 2 trạm thu phí

Hoàng Thanh 03/06/2016 07:18 GMT+7
Cả tuyến quốc lộ dài 240 km nhưng Công ty TNHH BOT 36.71 (Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng) chỉ làm hơn 56 km ở 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định rồi đặt 2 trạm thu phí

Quốc lộ 19 qua địa phận tỉnh Gia Lai dài 169,5 km và Bình Định dài 70,5 km. Thế nhưng, dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 chỉ có tổng chiều dài 56,7 km nằm một phần ở tỉnh Gia Lai và phần còn lại ở tỉnh Bình Định.

img

Quốc lộ 19 vừa làm xong đã phải sửa chữa nhưng đã vội thu phí

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường qua tỉnh Bình Định làm chừng hơn 30 km từ Km 17+027 đến Km 50+00 và qua tỉnh Gia Lai từ Km 108+00 đến Km 131+300. Trong khi đó, đoạn giữa tuyến đường này dài hơn 180 km thì đang xuống cấp, nhiều ổ voi, ổ gà lại không được nâng cấp, sửa chữa.

Riêng đoạn từ đầu huyện Đắk Pơ tới dưới đèo An Khê (Gia Lai) hiện chưa bố trí được nguồn vốn thi công. “Đoạn từ Km 90 qua thị trấn Đắk Pơ đến chân đèo Mang Yang cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt cho triển khai trong thời gian tới bằng nguồn vốn dư của giai đoạn một. Còn đoạn từ Đắk Pơ đến Bình Định cũng đang trình đề án lên Chính phủ phê duyệt để có nguồn vốn hợp lý vì hiện không thể bố trí nguồn vốn BOT được nữa” - ông Vương Chí Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71, cho biết. Theo ông Thiện, đoạn thi công hoàn thành qua địa bàn tỉnh Bình Định có chiều dài 33,3 km và đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài 23,3 km đã được Bộ GTVT nghiệm thu và bắt đầu thu phí từ ngày 1-6.

Ông Nguyễn Quốc Dương, tài xế xe khách tuyến Quy Nhơn (Bình Định) - TP Pleiku (Gia Lai), bức xúc: “Giá vé cao ngất ngưởng nhưng cả tuyến chỉ làm được gần 60 km mà đặt tới 2 trạm thu phí thì người dân sao chịu nổi”.

Mặc dù gấp rút thu phí nhưng ngay cả chất lượng của những đoạn đường vừa làm mới cũng có vấn đề. Tại đoạn đường qua tỉnh Gia Lai từ Km 108+00 tới Km 131+300, do liên danh Công ty Hoàng Nhi - Hoàng Sơn - Sông Hồng thi công. Mặc dù mới khánh thành ngày 31-12-2015 nhưng đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng. Một số nơi đã được sửa chữa bằng cách trải lớp nhựa mới, còn lại đang được đánh dấu chờ sửa chữa.

Nói về những vị trí hư hỏng này, ông Thiện cho biết: “Về mặt kỹ thuật thi công, chúng tôi làm đúng quy trình. Tuy nhiên, cũng có mặt khách quan, chẳng hạn một số mặt đường bị hỏng cục bộ do khi khoan nghiệm thu xong phải dùng bê tông lấp lại nhưng một số nhà thầu không lưu ý nên mới xảy ra tình trạng hư hỏng”.

Theo Công ty TNHH BOT 36.71, dự án này được đầu tư theo hình thức BOT, có quy mô đường cấp III đồng bằng, bề rộng đoạn thông thường là 12 m, đoạn qua khu dân cư là 15 m. Mức thu phí đối với các loại phương tiện thấp nhất là 35.000 đồng/lượt, cao nhất 200.000 đồng/lượt. Thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là 18 năm 4 tháng.

Cần minh bạch trong đầu tư, thu phí BOT

Chiều 2-6, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông” do Báo Giao Thông tổ chức, trước ý kiến hoài nghi về sự minh bạch của các dự án BOT đã triển khai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận chưa thực sự quan tâm công khai những vấn đề này để người dân biết, nắm rõ và kiểm soát.

Thời gian qua, dư luận kêu ca về mức thu phí của các trạm BOT quá cao, cơ quan quản lý quá ưu ái các nhà đầu tư BOT. Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cienco 4, nói: “Nhà đầu tư bỏ ra bao nhiêu tiền thì được thu về bấy nhiêu. Giá vé đắt thì thời gian thu phí ngắn, thời gian thu phí dài thì giá vé thấp”.

Theo ông Trường, Bộ GTVT đã có những tính toán hợp lý các trạm BOT để bảo đảm khoảng cách, mật độ các trạm thu phí được hợp lý nhất. Đầu tư BOT là rất cần thiết nhưng không phải là đầu tư bằng mọi giá. Thời gian tới sẽ chú trọng đến việc minh bạch suất đầu tư, minh bạch trong thu phí.