Nhiều diện tích mì trồng sau Tết ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn) đã bị chết trắng
Nhiều diện tích sắn đã bị chết trắng, số còn sống cũng đang èo uột chờ mưa, nếu cứu được thì chắc chắn sẽ giảm năng suất trầm trọng.
Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh hiện có khoảng 13.500ha sắn. Nông dân trồng mì hy vọng loại cây này sẽ vượt qua được mùa khô hạn năm nay để sinh trưởng, phát triển bình thường. Nào ngờ nắng nóng quá khắc nghiệt, suốt nhiều tháng liền không có mưa nên cây sắn đã chết hàng loạt.
Ông Trần Đình Thọ, GĐ HTXNN Thượng Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) cho biết, hàng năm nông dân trong xã trồng khoảng 400ha sắn. Nhiều diện tích trồng mía kém hiệu quả đã được bà con chuyển sang trồng sắn. Sắn ở đây được xuống giống từ tháng chạp năm trước đến tháng giêng năm sau. Năm nay, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích sắn bị chết khô, nhất là những diện tích trồng trong tháng giêng.
“Thời điểm sắn chết nhiều nhất là vào tháng 4 tháng 5 DL. Nhiều diện tích sắn đã chết đến 50% số cây. Số còn sống cũng đang phát triển èo uột, chắc chắn năng suất sẽ bị giảm 4 - 5 tấn/ha. Nếu như trước đây năng suất sắn trên địa bàn đạt khoảng 20 tấn/ha thì năm nay, số sắn còn trụ được qua mùa nắng nóng này năng suất chỉ còn khoảng 14 - 15 tấn/ha”, ông Trần Đình Thọ cho biết.
Tại HTXNN Tả Giang, xã Tây Giang, cây sắn cũng bị nắng nóng “đốt” chết hàng loạt. Lão nông Thi Văn Lợi (77 tuổi) ở thôn 1 cho biết: “Năm nay gia đình tui trồng được 4 sào sắn, 2 sào xuống giống vào tháng chạp năm trước và 2 sào xuống giống vào tháng giêng năm nay.
Diện tích xuống giống vào tháng chạp năm trước, nay đã được 5 tháng tuổi, bị chết khoảng 50% số cây, riêng 2 sào xuống giống vào tháng giêng hiện đã chết gần hết, chỉ còn khoảng 50 - 60 bụi. Tui đang tiến hành trồng dặm. Thế nhưng do nắng nóng gay gắt quá nên hom sắn giống cũng bị rầy gây hại, bây giờ trồng dặm thì thiếu giống”.
Cũng theo lão nông Thi Văn Lợi, sắn trồng dặm vào thời điểm này sẽ bị nhỏ củ, mất năng suất. Nhưng nếu không trồng lại, bỏ đất trống thì nông dân không đành lòng.
Mì trồng từ tháng chạp nhưng phát triển èo uột do nắng nóng và bị chết từng chòm
Còn ở xã Bình Tân, nơi đang trồng 300ha sắn cũng lâm tình trạng tương tự. Anh Thái Văn Hiệp, cán bộ khuyến nông xã cho biết, cây sắn ở Bình Tân chỉ có 1 ít diện tích xuống giống vào tháng chạp năm trước, còn lại hầu hết đều xuống giống vào tháng 2 tháng 3 âm lịch vì phải đợi thu hoạch dưa hấu xong bà con mới trồng. Cây sắn trồng muộn vừa nứt mầm đã gặp ngay nắng nóng kéo dài phát sinh rầy lửa, làm cho lá sắn cháy đỏ, dẫn đến chết cây.
“Hiện có khảng 50% diện tích sắn trên địa bàn bị chết, số còn sống đang ngắc ngoải chờ mưa cứu, nếu không có mưa chắc chắn những cây còn đứng trên đồng cũng sẽ chết”, anh Hiệp cho hay.
"Hầu hết diện tích sắn đều trông chờ vào nước trời, nhưng đứng trước tình hình này thì cây sắn ở Bình Định sẽ rất khó vượt qua mà cho thu hoạch", ông Hồng lo ngại. |
Ở huyện Phù Cát, nơi có diện tích chân đất cát khá lớn, đây lại là chân đất rất phù hợp với cây sắn. Vì vậy, cây sắn được xem là cây trồng chủ lực của nông dân ở đây với 2.545ha. Bởi cây sắn mang lại thu nhập chính nên nông dân đã không đành lòng đứng nhìn cây sắn bị nắng nóng đốn ngã, họ đã đóng giếng để tưới bằng béc phun bài bản, nên hầu hết diện tích sắn ở huyện Phù Cát tránh được tình trạng "chết yểu".
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát cho biết: “2.545ha sắn của huyện được trồng tập trung tại các xã Cát Trinh, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Sơn. Bà con ở đây nuôi cây sắn kỹ lưỡng chẳng khác các loại cây trồng khác. Họ đóng giếng, bơm tưới cho cây sắn từ tháng 3 DL đến nay. Nhờ đó, diện tích sắn trên địa bàn huyện hiện đang phát triển rất tốt”.
Theo ông Nguyễn Bá Hồng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, hiện diện tích sắn trên địa bàn tỉnh đã vượt quy hoạch, một phần do những năm qua cây mía cho hiệu quả kinh tế kém nên bà con chuyển sang trồng sắn. Đến nay, số diện tích sắn đã bị chết do nắng nóng hiện ngành chức năng chưa thống kê được, vì các địa phương chưa báo cáo.
Cũng ông Hồng cho hay, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong năm nay, khu vực Trung bộ có lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30 - 50%, riêng trong quý I/2016 lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã thiếu hụt đến 48% so với TBNN, dự báo khô hạn gay gắt sẽ kéo dài đến cuối tháng 8.2016.