Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) |
Ông Tăng Minh Lộc đánh giá:
Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ ra đời vào năm 2002 đã có tác động tốt đối với việc tiêu thụ nông sản, mối quan hệ hợp tác trong sản xuất – tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp đã được hình thành ở nhiều nơi.
Trong thực tế đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, cũng đã hình thành được nhiều mô hình liên kết giữa nông dân- doanh nghiệp có hiệu quả cao và dù có nhiều thăng trầm nhưng đã rút ra bài học quan trọng là muốn phát triển nền nông nghiệp hàng hóa thì phải phát triển tốt liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và nhà khoa học. Doanh nghiệp phải dựa vào nông dân, nông dân cũng phải dựa vào doanh nghiệp. Phải cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích thì liên kết mới bền chặt.
Ông Tăng Minh Lộc
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, sau 10 năm thực hiện, Quyết định 80 đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần sửa đổi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Về chủ trương, Quyết định này ra đời là rất đúng đắn. Tuy nhiên Quyết định 80 ra đời cách đây 10 năm, trước khi VN gia nhập WTO, nên đến nay cũng có nhiều điểm không còn phù hợp.
Trong thực tế, tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng của ta còn rất thấp: Lúa gạo (2,12%); Cà phê (2,5%); Chè (9%); Thủy sản (13%); Mía đường (78%)…. Đã diễn ra nhiều trường hợp sau khi hợp đồng doanh nghiệp đầu tư ứng vốn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, nhưng khi thu hoạch nông dân không bán nguyên liệu cho doanh nghiệp làm doanh nghiệp điêu đứng hoặc khi có lợi nhuận cao, doanh nghiệp không chia sẻ với nông dân, khi rủi ro thì bỏ chạy…
Những vấn đề đó rất tiếc đã kéo dài nhiều năm, có nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật là: Quyết định 80 chưa xác định rõ vai trò của từng đối tác và chưa có chính sách thúc đẩy sự lớn lên tương thích của các đối tác; Chế tài xử phạt vi phạm vẫn dựa vào Luật dân sự, việc phân xử lại không nghiêm nên tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm rất yếu;
Đối với nhà khoa học đa số chưa chủ động tìm thị trường, tự chủ trong việc ký hợp đồng với doanh nghiệp và nông dân và sống bằng kết quả lao động khoa học từ các hợp đồng này mà dường như hoạt động chủ yếu là dựa vào các đề tài, dự án được ngân sách tài trợ; Chúng ta cũng chưa có được những hiệp hội ngành hàng mạnh để bảo vệ doanh nghiệp thành viên và đóng vai trò điều tiết thị trường.
Nhìn chung là doanh nghiệp mạnh ai nấy làm nên vẫn xảy ra tình trạng: Trong nước thì doanh nghiệp tranh mua nguyên liệu với nhau, ngoài nước thì tranh bán, thậm chí phá giá. Điều đó không chỉ thiệt hại lợi ích của doanh nghiệp mà còn tổn hại đến lợi ích và hình ảnh quốc gia.
Dù xuất khẩu gạo của Việt Nam vào hàng nhất nhì thế giới, nhưng lượng gạo tiêu thụ qua hợp đồng chỉ mới chiếm khoảng 2,12%. |
Theo đánh giá của ông, mối gắn kết giữa DN chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu đã thực sự tốt chưa?
- Tôi thấy vẫn chưa ổn. Luật Đầu tư của nước ta quy định điều kiện đăng ký thành lập doanh nghiệp chế biến nông sản khá dễ. Vì vậy ở ngay các vùng nguyên liệu, bên cạnh DN bỏ tiền ra đầu tư, tạo dựng vùng nguyên liệu, lại có ngay 1 doanh nghiệp chế biến mới được dựng lên, sẵn sàng mua thấp hơn doanh nghiệp đã đầu tư.
Thế là xảy ra tranh chấp mua nguyên liệu. Chúng ta chưa có quy định gắn kết giữa DN đầu tư nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, không khuyến khích DN đầu tư vùng nguyên liệu. Do vậy chúng ta không có nhiều vùng nguyên liệu bền vững. Đó là một nền nông nghiệp hàng hóa có tính cạnh tranh cao thì Chính phủ phải có chính sách mới thiết thực và phù hợp hơn theo Quyết định 80.
“Chính sách mới” này cần có điểm khác cơ bản nào so với Quyết định 80?
- Chính sách mới phải kế thừa những chính sách hiện hành đang phát huy tác dụng tốt. Hiện ta đang có một số chủ trương, chính sách mới và đã giải quyết được một số vướng mắc như: Nghị định 41/NĐ-CP về tín dụng nông thôn, Nghị định 61/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo lao động nông thôn; Nghị định 02/NĐ-CP về công tác khuyến nông… ( một số nội dung của các chính sách này hiện chưa phù hợp qua kiến nghị thực tế thì có thể điều chỉnh). Do vậy cái mới sẽ không nhiều nhưng nổi bật sẽ là:
- Xác định rõ vai trò đầu tầu của doanh nghiệp trong liên kết và coi trọng việc hỗ trợ, tạo điều kiện hơn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
- Chính sách hỗ trợ rõ hơn, mạnh hơn để nâng cao trình độ các đối tác tham gia liên kết (nhất là nông dân và hợp tác xã).
- Xác định danh mục nông sản lợi thế có thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước để tập trung, ưu tiên đầu tư mạnh hơn. Sẽ hướng liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ trước hết vào các nông sản này.
- Đề xuất phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của các Luật có liên quan để tạo môi trường pháp lý tốt hơn cho phát triển liên kết bền vững.
Theo ông, Nhà nước cần ưu đãi thêm như thế nào đối với DN?
- Hiện nay Chính phủ đã có Nghị định 61, đó là chính sách thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó có một số nội dung như miễn và giảm thuế sử dụng đất, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, xúc tiến thương mại, hỗ trợ cước phí vận tải đối với vùng khó khăn...
Nghị định này ra đời năm 2010 nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều DN về nông thôn. Có nhiều lý do, tôi nghĩ chính sách đất đai phải mạnh hơn nữa, nhất là hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Thứ hai về vốn, nếu áp dụng chính sách bình đẳng thì DN đầu tư vào nông nghiệp rất khó khăn, không có ưu đãi thì họ khó phát triển lắm.
Chúng ta còn nhiều kênh hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với WTO mà chưa sử dụng hết. Ví dụ có thể hỗ trợ doanh nghiệp một phần kinh phí các hạ tầng cơ bản: trục chính giao thông nội đồng, hệ thống tưới, hệ thống điện, hệ thống xử lý môi trường khi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu hoặc cơ sở chế biến..v.v.. Mặt khác, đã làm nông nghiệp là nhiều rủi ro nên cũng cần tạo điều kiện để họ tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Vậy còn những đối tác còn lại, Nhà nước nên có chính sách gì để khuyến khích liên kết tiêu thụ nông sản qua hợp đồng?
- Đối với ND, phải tập huấn rất kỹ về kỹ thuật, quy trình sản xuất nói chung là nâng cao trình độ sản xuất khi tham gia liên kết; Phải hỗ trợ tư vấn ND về pháp lý khi ký hợp đồng; hỗ trợ cho ND vay vốn thuận lợi hơn và giúp họ tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Đối với HTX - cầu nối quan trọng giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học - thì phải có chính sách hỗ trợ để HTX vươn lên: chủ yếu là giúp họ đào tạo cán bộ, tiếp cận vốn vay, tiếp cận kỹ thuật thị trường….
Đối với nhà khoa học cần phải áp dụng triệt để hơn cơ chế nhà nước đặt hàng, ứng tiền cho nhà khoa học nghiên cứu và mua lại sản phẩm hoặc khi họ có hợp đồng nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho nông dân và doanh nghiệp thì được vay vốn lãi suất thấp và phải hoàn trả khi thanh lý hợp đồng, phải giúp họ yên tâm đầu tư nghiên cứu thì mới có sản phẩm tốt.
Để hạn chế tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa DN và ND, theo ông cần phải sửa đổi những quy định hay điều luật nào?
- Tôi nghĩ, phải đề xuất sửa bổ sung các chế tài xử phạt vi phạm hợp đồng kinh tế phù hợp hơn trong Bộ luât Dân sự, nếu không thì khó giải quyết được chuyện phá vỡ hợp đồng giữa DN và ND, luật phải mạnh mới răn đe và ngăn ngừa tốt vi phạm. Tuy nhiên, đối với ND, cần phải thành lập các trung tâm hỗ trợ tư vấn pháp lý (ngay từ xã hoặc huyện) và đưa việc hỗ trợ pháp lý như là một quy định Nhà nước để giúp ND một cách hiệu quả.
Mặt khác, cũng cần phải điều chỉnh Luật Đầu tư đối với việc cấp giấy phép cho DN xây dựng cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu. Để chống độc quyền, Nhà nước có thể quy định giá sàn và giá trần trong việc mua và bán nông sản nguyên liệu.
Doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu nhưng không được mua thấp hơn giá tối thiểu. Nông dân bán nguyên liệu không được cao hơn giá trần để tránh việc lợi dụng bóp chẹt nhau (đó là cách Chính phủ Thái lan đã làm đối với lúa gạo hàng hóa của họ). Dù đã ký hợp đồng nhưng khi giá cả thị trường biến động thì doanh nghiệp và nông dân vẫn cần thương thảo, chia sẻ với nhau, như vậy mới bền.
Việc xây dựng dự thảo Quyết định mới để thay thế Quyết định 80 được chuẩn bị ra sao và hiện đang đến giai đoạn nào, thưa ông?
- Cục Kinh tế hợp tác & Phát triển nông thôn đựợc Bộ giao chuẩn bị đề án này trình Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã làm việc rất kỹ với nhiều DN, ND, HTX và các nhà khoa học, xem họ đang gặp vướng mắc gì để tháo gỡ; cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo lớn với các chuyên gia…Hiện đề án của chúng tôi đang trình Chính phủ xem xét.
Xin cảm ơn ông!
Đình Thắng – Hoàng Sơn