Dân Việt

Nâng hỗ trợ cho người nghèo đóng BHYT

Diệu Linh 04/06/2016 06:00 GMT+7
Từ này đến cuối năm, người dân thuộc các nhóm đối tượng còn khó khăn sẽ được nâng mức hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) thêm từ 10-30% giá trị mệnh thẻ. Đây là thông tin đáng chú ý tại hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành phố về BHYT tổ chức ngày 3.6, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

90% người dân tham gia BHYT

Theo bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đây là mục tiêu mới mà Chính phủ vừa ban hành, thay vì chỉ 80% như trước kia.  Bà Minh cho biết, tính đến hết tháng 3.2016, đã có 76,5% dân số (70,8 triệu người) tham gia BHYT, tăng 1,2% so với năm 2015. Toàn ngành cũng đang nỗ lực để đạt mục tiêu 78% vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến cuối năm 2015 vẫn có 31 địa phương mới có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 75% - chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong khi đó, Chính phủ vừa điều chỉnh chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2016 -2020 với định hướng phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT, thay vì 80% như trước đây.

img

Vận động nông dân tham gia BHYT tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệu Linh 

Phấn đấu năm 2020 hơn 90% nông dân tham gia BHYT
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Lại Xuân Môn – Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng hiện nay còn 23,5% nông dân chưa tham gia BHYT, trong đó có nhiều người không thực sự khó khăn, tuy nhiên họ lại chây ì không tham gia BHYT, chỉ mua thẻ khi đã ốm nặng. Hội Nông dân cũng cam kết vận động, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có hơn 90% nông dân tham gia BHYT. 
 

Bà Minh cho biết, hơn 23% dân số chưa tham gia BHYT là các đối tượng khó khăn, nên việc vận động họ tham gia rất khó. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ giao các địa phương  huy động các nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt là hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, nhưng đến nay còn 10 tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho nhóm đối tượng này. Một số địa phương khác mới chỉ hỗ trợ thêm được 10-15%. Chỉ có hơn 20 tỉnh hỗ trợ được cả 30% còn lại cho người cận nghèo. Ngoài ra, hầu hết các địa phương chưa hỗ trợ được hộ làm nông – lâm – ngư – diêm nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên thuộc các hộ gia đình đông con  khó khăn về kinh tế…

Do đó, để có thể hoàn thành mục tiêu, bà Minh  cho biết BHXH Việt Nam đã kiến nghị dành tiền hỗ trợ cho ngành y tế trước đây (khoảng 20.000 tỷ đồng) để trợ giúp người dân khó khăn tham gia BHYT. Năm 2016 cần hơn 450 tỷ đồng để hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT. Cụ thể hỗ trợ người cận nghèo từ mức 70% giá trị thẻ lên 100% (khoảng 61 tỷ đồng), học sinh, sinh viên tăng hỗ trợ từ 30% lên 50% (76 tỷ đồng), nhóm dân cư làm nông -lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình từ mức hỗ trợ 30% lên 50% (204 tỷ đồng); hộ gia đình chưa hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ 10% giá trị thẻ.

Theo bà Minh, trước mắt nguồn tiền này sẽ trích từ kinh phí kết dư (nếu có) của địa phương để hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Về lâu dài, nên chuyển số tiền mà Chính phủ cấp cho các cơ sở y tế để hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Nâng cao chất lượng y tế

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong một số lần kiểm tra tại các bệnh viện, ông nhận thấy vẫn có sự phân biệt đối xử giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh BHYT. Do đó, theo Phó Thủ tướng, để người dân mặn mà hơn với BHYT thì ngành y tế phải tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, xoá bỏ khoảng cách giữa dịch vụ và BHYT.

img

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, thay đổi phong cách phục vụ trong cán bộ ngành y. Theo Bộ trưởng, số lượt khám chữa bệnh đã tăng lên rõ rệt. Nếu năm 2014 là 136,3 triệu lượt, đến năm 2015 khoảng 150 triệu lượt. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tăng từ 31.000 tỷ đồng năm 2012 lên 41.400 tỷ đồng năm 2014 và hơn 50.000 tỷ đồng năm 2015. Có thể nhận thấy, nhờ có BHYT mà người dân được chăm lo sức khoẻ tốt hơn.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay đối tượng tham gia BHYT tự nguyện mới chỉ có 10% mua thẻ. Đây là mũi nhọn mà ngành BHXH cần tập trung tuyên truyền, vận động và hỗ trợ trong thời gian tới. “Mỗi năm Nhà nước dành khoảng 11.000 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho cán bộ y tế. Còn hiện nay, giá viện phí đã tiến tới tính đúng, tính đủ trong đó có cả chi phí tiền lương và phụ cấp. Do đó, tôi đề nghị chuyển 11.000 tỷ đồng sang hỗ trợ một số đối tượng mua thẻ BHYT tự nguyện lần đầu từ năm 2017. Việc hỗ trợ người mua thẻ BHYT tự nguyện lần đầu sẽ khuyến khích người dân tham gia để người dân quen dần với việc mua và sử dụng BHYT” – Phó Thủ tướng gợi ý.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép ngay trong năm 2016 được sử dụng nguồn kinh phí kết dư của Quỹ BHYT để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Trước mắt, các địa phương cần bố trí ngân sách và huy động nguồn lực để hỗ trợ nốt 30% giá trị thẻ còn lại cho người cận nghèo, đảm bảo 100% người cận nghèo tham gia BHYT. Còn chỉ tiêu của Bộ GDĐT là phấn đấu đến năm 2017 có 100% học sinh sinh viên tham gia BHYT (hiện nay mới đạt 98%). Bộ LĐTBXH, Ủy ban Dân tộc cần hối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách giai đoạn 2016-2010 cho nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng. Còn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đảm bảo đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT./.