Đối tượng vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ảnh minh họa). Nguồn: Internet
Những vụ việc đau lòng
Đầu tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Ninh Bình đã bắt khẩn cấp Vũ Anh S, 38 tuổi (trú tại TP.Ninh Bình) về hành vi giết người. Nạn nhân là chị T.T.M.H (SN 1978), vợ S. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do S nghi vợ có quan hệ ngoài luồng nên vào khoảng 14h chiều sau khi ngủ dậy, S đã lấy dao bầu lao vào phòng ngủ đâm liên tiếp vào ngực, bụng vợ khiến chị H tử vong.
Mới đây, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Hoan (27 tuổi, ở Mỹ Lộc, Nam Định) mức án chung thân về tội giết người. Hồ sơ vụ án ghi rõ, Hoan và chị B.T.N (22 tuổi) đã kết hôn và chung sống với nhau được khoảng 4 năm. Sau khi sinh con đầu lòng, năm 2014, hai vợ chồng lên Hà Nội mưu sinh. Một hôm, do vô tình, Hoan đọc được tin nhắn của một người khác gửi đến điện thoại của vợ với giọng điệu khá tình tứ. Hoan truy hỏi vợ thì chị N thừa nhận việc ngoại tình. Sau đó, Hoan hẹn kẻ ngoại tình với vợ mình (anh P.T.H, 28 tuổi) tại một quán cà phê. Sau khi nghe anh H thú nhận đã từng cùng vợ Hoan vào nhà nghỉ, Hoan lao vào đâm anh H khiến anh này tử vong.
Tương tự, vừa qua Nguyễn Văn Huệ (ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã bị TAND tỉnh Long An tuyên phạt 5 năm tù với tội danh “Giết người”. Do nghi ngờ vợ ngoại tình, Huệ đã theo dõi và bắt gặp vợ mình vào nhà của L.T.N ở TP.Tân An (Long An) rồi cả hai cùng đóng cửa lại. Khi phá cửa xông vào, chứng kiến 2 người trong tình trạng trần như nhộng, Huệ đã vung dao đâm tới tấp vào cả hai. Hậu quả anh N đã chết do vết thương quá nặng.
Những vụ việc trên cho thấy, ngoại tình gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đó là hành vi vi phạm đạo đức và rất đáng bị lên án, đối tượng thực hiện hành vi này cần bị xử lý nghiêm. Do vậy, Điều 182 - BLHS 2015 đã quy định, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Xử lý nghiêm là cần thiết, nhưng...
Liên quan đến điều luật trên, luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, đây không phải quy định hoàn toàn mới mà nó nhằm cụ thể, chi tiết hơn “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” (Điều 147) mà BLHS sửa đổi năm 2009 đã quy định. Tuy vậy, theo điều 147, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự khi đối tượng thực hiện hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Song, việc xác định hành vi vi phạm, thế nào là hậu quả nghiêm trọng là điều không đơn giản.
Điểm mới của Điều 182 - BLHS 2015 là hậu quả của việc chung sống như vợ chồng với người khác của người phạm tội được xác định cụ thể hơn như khiến vợ hoặc chồng, con tự sát. Theo đó, hình phạt cũng tăng nặng hơn so với quy định hiện hành. Tuy vậy, việc thực thi Điều 182 không hoàn toàn dễ dàng.
Bởi, hiện vẫn có không ít người cho rằng, trong một số trường hợp, ngoại tình là việc một cá nhân tự giải thoát khỏi mối quan hệ bức bách, khỏi cuộc hôn nhân thất bại nhưng đang bị ràng buộc, cản trở từ người còn lại. Ngoài ra, với một số cặp vợ chồng khi có 1 trong 2 người ngoại tình, đối phương tuy không tự sát nhưng sự suy sụp hoàn toàn từ tinh thần đến sức khỏe, dẫn tới mắc bệnh nặng rồi qua đời nhưng việc chứng minh cái chết đó do hậu quả từ ngoại tình là vô cùng khó khăn đối với cơ quan chức năng.
Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, nguyên nhân khiến tình trạng ngoại tình diễn ra ngày càng nhiều là do không ít cặp đôi đến với nhau khi chưa có sự tìm hiểu kỹ càng. Bên cạnh đó, một số cá nhân lại thiếu bản lĩnh, quá dễ dãi trước những cám dỗ từ bên ngoài nên ngày càng lún sâu vào những mối quan hệ tội lỗi. Ngoài ra, cuộc sống quá bận rộn, lối sống gấp, quy định thiếu cụ thể dẫn đến việc xử lý không nghiêm cũng là lý do dẫn đến tình trạng trên.
Do đó, có thể khẳng định, Điều 182 - BLHS 2015 nhằm cụ thể hóa Điều 147 - BLHS hiện hành với quy định rõ ràng hơn, chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi ngoại tình. Để điều luật này sớm đi vào cuộc sống, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật để giải thích, hướng dẫn về quy định này, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc có thể phát sinh trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến ngoại tình.