Sẽ có tháp Phật giáo cao nhất thế giới?
Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên đưa tin, ngày 25/5 lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Ninh Bình – chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc về dự án thành phần quan trọng Khu du lịch văn hóa tâm linh hồ Núi Cốc.
Dự án Tháp Phật giáo là một phần quan trọng trong Dự án Khu du lịch hồ Núi Cốc vừa được Xuân Trường động thổ xây dựng vào tháng 2/2016 với tổng mức đầu tư cho dự án dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035.
Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương: thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Diện tích quy hoạch sử dụng đất khoảng 18.940ha (trong đó hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500 ha).
Phía Xuân Trường đã lên ý tưởng thiết kế, xây dựng chùa Tháp nằm trong tổng thể dự án Hồ Núi Cốc. Chùa Tháp có chiều cao 150m, nền móng tháp có chiều rộng 10.000 m2. Chùa Tháp có thể chứa được từ 5.000 -10.000 người trong một thời điểm. Đây sẽ là một trong những tháp Phật giáo lớn nhất thế giới.
Chùa Tháp được thiết kế bằng cách đổ bê tông phần thô (do thợ Việt Nam đảm nhiệm), còn toàn bộ nội thất trang trí bên trong và bên ngoài Tháp (tượng Phật; 12 nghìn bức tranh đá kể về cuộc đời của đức Phật…) sẽ do các nghệ nhân, thợ của 2 nước Indonesia và Ấn Độ chế tác tại nước Indonesia, Ấn Độ.
Sau khi hoàn thiện xong tượng Phật, 12 nghìn bức tranh đá tại Indonesia và Ấn Độ sẽ được Doanh nghiệp Xuân Trường đưa về Tháp lắp đặt. Riêng phần móng của Tháp là do các chuyên gia và thợ của Nhật Bản đảm nhiệm. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ đặt móng trong năm 2016, phần thô sẽ được làm xong trong 5 năm để đón khách vãn cảnh, bái Phật và sẽ hoàn thành chùa Tháp trong vòng 10 năm (2016-2026) …
Mong đừng chú trọng “bề nổi”
Việc Việt Nam có thể có tháp Phật giáo lớn nhất thế giới khiến không ít người đưa ra ý kiến quan ngại. Trả lời báo giới, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng: “Việt Nam còn nghèo. Tôi có cảm tưởng công trình càng khoe độ hoành tráng, đạt nhiều kỷ lục bao nhiêu càng làm lộ ra sự nghèo khó của người dân bấy nhiêu. Bây giờ, nhiều người chỉ chạy đua xây dựng chùa chiền, đền đài... hoành tráng mà thiếu lo lắng đối với sự nghèo khổ, tụt hậu của đất nước. Cho nên, tôi không đồng tình với chuyện chạy theo các công trình bề thế, hoành tráng”.
Là một quốc gia nhỏ, đang phát triển nhưng Việt Nam lại có rất nhiều công trình “nhất khu vực” rồi vẫn nghĩ tới những việc “nhất thế giới”. Người ta đặt câu hỏi liệu những cái nhất đó có đem lại sự phát triển bền vững cho quốc gia hay không?
Thực tế, ở Việt Nam có không ít nơi chưa có trạm y tế khám bệnh, thiếu trường học cho trẻ em. Vẫn còn đó những cây cầu mà mỗi khi đi qua là chấp nhận đánh đu với tử thần. Những con đường quanh năm lầy lội. Những trẻ em dân tộc thiếu cơm, thiếu áo trong mùa đông cắt da cắt thịt. Còn biết bao những mảnh đời bất hạnh do bệnh tật không có thuốc chữa đành nằm chờ chết. Những người già cô thế cô thân không nơi nương tựa.
Xét đến thẩm mỹ và văn hóa Việt thì chúng ta không chuộng những thứ to, lớn, hùng vĩ. Nếu như hiểu bản sắc nằm ở việc lựa chọn kiểu giá trị sống thì bản sắc của dân tộc Việt phải là kiểu lựa chọn những cái đẹp thanh, nhã, vừa vặn, bình dị, gần gũi.
Nhiều người cho rằng, phong cách kiến trúc truyền thống của người Việt vì thế cũng ưa chuộng những công trình không quá cao. Trong các đền, chùa, tượng thờ cũng không quá to, lớn, kích thước phần lớn là bằng kích thước người thật. Đặc biệt, đường nét của tượng tinh tế, mềm mại và tạo sự gần gũi với con người.
Trái với hiện nay, các chùa, đền luôn thể hiện sự uy nghi của mình bằng những pho tượng to lớn, xa lạ, lắm khi là dữ tợn, cách biệt với con người. Chính sự vật chất hóa ấy đang khiến cho tính thẩm mỹ, giá trị văn hóa ngày càng mai một.
Nhà văn Trần Thị Trường cho hay: “Nếu xây tháp Phật do lòng mong mỏi của nhân dân và nhà đầu tư để thỏa tâm linh, cơ quan chức năng nên nghiên cứu kỹ, xem xét có ảnh hưởng tới cảnh quan, thiên nhiên của hồ Núi Cốc, việc giải tỏa mặt bằng có ảnh hưởng tới cuộc sống người dân hay không. Chưa kể tới việc xây tháp Phật để mang danh “cao, to nhất” thì càng phải xem lại.
Phật tại tâm - các “đại gia” cần phát tâm đối với người nghèo, chung tay cùng Nhà nước xây trường học, bệnh viện, nhà chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa, các cây cầu qua suối cho trẻ đến trường. Có lẽ, đó là những thứ dân cần hơn một tháp Phật to nhất thế giới”.
Ông Trần Khánh Dư - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ điềm đạm: “Tôi còn nhớ một vị sư nổi tiếng ở Tây Tạng đã nói: “Tôn giáo của tôi rất đơn giản, không cần chùa to, Phật lớn mà là tấm lòng nhân ái!”.