Cách thị trấn Con Cuông (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) không xa, tại một bản làng người Thái là nhà em Lô Thị Q (21 tuổi), một trong những người vừa thoát khỏi động buôn người nơi xứ lạ. Nhìn căn nhà tuềnh toàng, lụp xụp, chúng tôi không thể không xót xa.
Chỉ vì muốn có tiền để nuôi người mẹ bệnh tật mà suýt nữa Q rơi vào tay của bọn buôn người. Trở về sau khi trốn thoát, em đã kể lại câu chuyện buồn từ "động quỷ".
Q chua xót, buồn tủi kể về quá trình trốn chạy khỏi động buôn bán người.
Trước đây, hai mẹ con Q sống cùng với người cậu ruột, nhưng khi Q lớn lên có thể tự lo cho mẹ được, cậu đã dựng một căn nhà sát bên cạnh cho hai mẹ con để tiện lo lắng chăm sóc.
Hằng ngày, Q đi rửa bát bưng bê cho một quán ăn ở thị trấn Con Cuông. Một tháng cũng được hơn hai triệu để trang trải cho sinh hoạt thường ngày. Những lúc mẹ Q ngã bệnh, nhà lại nghèo, cuộc sống lại thêm khốn khó.
Chuyện bắt đầu từ ngày 28 Tết, Q cùng mẹ đi thăm người họ hàng ở bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Lúc đó, mẹ con Q gặp bà M. Khi thấy Q là người con gái có vẻ đẹp tinh khôi, da dẻ trắng hồng, dáng người khỏe mạnh, cao ráo, khuôn mặt hiền lành, xinh xắn, với mái tóc dài đen, đậm nét vẻ đẹp của thiếu nữ người Thái, bà M đã rủ rê Q đi làm tiếp tân cho một nhà hàng ở Hải Phòng với mức lương cao. Vì nhà chỉ có hai mẹ con, Q không muốn xa mẹ hơn nữa chưa xa nhà bao giờ nên lắc đầu im lặng.
Sau Tết, bà M lại tìm đến hai mẹ con Q một lần nữa với lời hứa lo tiền đi lại, ăn uống, chỗ nghỉ ngơi và nơi làm việc với mức lương gấp đôi. Nghe thế, Q đã đồng ý. Đúng ngày 16.2, bà M đã cho xe ô tô đến đón Q. Đi cùng có bà M có anh C và chị V (là con trai và cháu gái của bà M, đều ở bản Đình, xã Chi Khê, đi làm ăn ở Trung Quốc được hơn ba năm) cùng người lái xe.
Khi đến Quảng Ninh, lập tức bà M xuống xe, trốn đi đâu không rõ, chiếc xe ô tô chở Q tiếp tục đi đến một bến sông, nơi đó đã có một con đò chờ chực sẵn chở Q và mọi người sang sông. Sau đó, Q được một người đàn bà béo mập đưa đến nhà bà Th (em gái bà M).
Q và V được đưa vào một căn phòng cùng với 30 người, mỗi người một vẻ mặt lo âu, chờ đợi một điều gì đó sắp xảy ra với mình. Nhìn ra phòng ngoài, Q nghe thấy những người lạ trao đổi giá cả về một cuộc mua bán trong đó có nhắc đên mình. Q cảm thấy không an toàn và thực sự hoảng sợ.
Q không biết đang ở chỗ nào, bèn hỏi V (cháu gái bà M, đi làm ăn ở Trung Quốc được khoảng ba năm), V bảo đã sang tới Trung Quốc. Lúc đó mặt Q tím tái đi, sợ hãi, run lên và nghĩ đến việc bị bán, bị đối xử tàn nhẫn và không có cách nào trở về với mẹ. Q van xin V bày cách cho mình trốn thoát. V đã mở cửa sau để Q chạy trốn.
Khi chạy trốn khỏi ngôi nhà của bà Th, Q vô tình gặp bà Thủy (người nói giọng Nghệ An) - chủ một quán ăn ven đường, Q đã xin tá túc và rửa bát thuê hai ngày ở quán rồi được bà Thủy tìm cách cho Q về Việt Nam.
Căn nhà của 2 mẹ con Q nghèo nàn, lụp xụp.
Sau một tuần tìm cách về đến nhà với bao lo lắng của gia đình, Q thực sự sợ hãi. Riêng bà M và người con trai cũng không quan tâm gì đến việc Q chạy trốn bằng cách nào, đã về được đến nhà an toàn hay chưa, gia đình cũng không thể liên lạc được với hai người này, không biết họ ở đang ở đâu và làm gì.
Hành vi và thái độ của bà M là coi thường tính mạng con người, vô trách nhiệm trước việc làm của mình. Bức xúc trước sự việc trên, gia đình Q đã báo với Công an huyện Con Cuông. Sau đó, ông X, chồng bà M đã đến hỏi thăm, động viên, xin lỗi em và gia đình. Vì anh em họ hàng gần gũi, nên gia đình Q đã dừng việc tố cáo bà M và con trai trước pháp luật.
Chuyện xảy ra đã được 4 tháng, gặp Q trong lúc em đi làm, trên khuôn mặt em luôn hiện lên nét buồn trầm lặng, lo sợ trước những cám dỗ của cuộc đời.
Em e ngại nói: “Em không dám nghĩ đến việc xa nhà, xa mẹ, xa cậu nữa, chuyện đã qua như một cơn ác mộng, nếu lúc đó không có V giúp, không có bà Thủy giúp em về nhà thì em đã trở thành nô lệ nơi xứ người...”.