Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, cách làm này sẽ có lợi cho cả DN, người tiêu dùng và nông dân.
Thưa ông, việc hệ thống siêu thị của Vingroup cam kết cho DN ký gửi hàng không lấy lãi, chương trình này đã mở ra những hình thức kinh doanh mới. Quan điểm của ông về sự hợp tác, đồng hành này như thế nào?
- Theo tôi, đây là sự tiên phong vì chưa có một DN nội nào từ trước đến nay làm được việc đó. Việc cho ký gửi hàng hóa với chiết khấu 0% là dành cho hàng thực phẩm. Qua việc làm này của Vingroup, tôi thấy rất nhân văn và sẽ có sức lan tỏa lớn, dù DN này mới bước vào lĩnh vực bán lẻ một năm nay thôi.
Nông sản đảm bảo chất lượng được tiêu thụ tại siêu thị, cả người tiêu dùng và nông dân
đều có lợi. Ảnh: T.L
Ngày 1.6, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ ký kết hợp tác đợt 1 với gần 250 DN Việt Nam tham gia chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Trong đó, hơn 140 DN đã ký kết hợp tác về phân phối. Theo đó, trong vòng 1 năm, từ 1.6.2016 – 1.6.2017, các DN trên sẽ được hỗ trợ đưa hàng vào hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ của Vingroup với các điều kiện ưu đãi hợp lý. Riêng các DN cung ứng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gia cầm, rau củ quả, trái cây… sẽ được hưởng mức chiết khấu bằng 0%. Các DN có nhu cầu sẽ được Vingroup hỗ trợ về công nghệ, quản trị, hệ thống kiểm soát chất lượng, công tác marketing bán hàng… Hiện mạng lưới bán lẻ của Vingroup tới tháng 5.2016 đã có hơn 800 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ sẽ là cơ hội tốt cho các nhà cung ứng thực phẩm. |
Sở dĩ tôi nói tới lan tỏa là vì nếu ký gửi hàng miễn phí là không có chiết khấu, từ đó sẽ tạo ra cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng; người tiêu dùng cũng sẽ được ăn thực phẩm sạch hơn, đảm bảo chất lượng vì siêu thị yêu cầu sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng… Qua đó cho thấy nhà phân phối không thụ động nhận hàng mà họ đã bỏ ra một khoản lợi nhuận để tái đầu tư vào khâu thu mua và sản xuất hàng hóa. Trong thời điểm hầu hết các siêu thị (cả siêu thị nội, ngoại) đang ép các nhà sản xuất, ép các nhà cung ứng thì đây sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những siêu thị còn lại chỉ biết dành phần thắng cho mình.
Ông có nói tới câu chuyện các siêu thị ép nhà cung ứng, cụ thể theo dõi của ông thì tình trạng này hiện như thế nào?
-Tôi khẳng định là tôi không thích cách các siêu thị “làm ăn” kiểu ép nhà cung ứng và nhà sản xuất như hiện nay. Vừa rồi ở TP.Hồ Chí Minh có một hội thảo công bố siêu thị nội chỉ chiết khấu 10% trong khi một hệ thống siêu thị vừa rơi vào tay người Thái chiết khấu tới 20%. Thực tế tôi cho là không phải mức đó mà còn cao hơn nhiều. Bạn không tin cứ thử gửi hàng xem các siêu thị họ bảo chiết khấu bao nhiêu (!?).
Tôi đã dẫn một số DN nội đi gửi hàng rồi, hàng đủ các tiêu chuẩn yêu cầu nhưng mất cả tháng siêu thị vẫn chưa chịu nhập hàng và đòi chiết khấu ít nhất 12-15%, ngoài ra còn rất nhiều các loại phí khác. Thậm chí, các cán bộ phòng nghiệp vụ của siêu thị còn có ý gây khó khăn cho nhà cung ứng để tìm cách kiếm “phong bì”.
Xét ở góc độ kinh tế, việc Vingroup miễn phí 1 năm cho các DN cung ứng tức là họ phải chi phí một khoản khá lớn, theo ông liệu kinh doanh siêu thị như thế có hiệu quả?
-Việc kinh doanh ở bất cứ một lĩnh vực gì cũng thế, nếu những DN làm ăn đàng hoàng và chân chính thì họ phải nhìn về lâu dài, kiểu làm ăn chộp giật thì sẽ không bền được. Tính ở góc độ lâu dài, Vingroup sẽ có lợi thế lớn về nguồn cung hàng hóa, ngoài ra còn có lợi thế về thương hiệu, được người tiêu dùng tìm đến nhiều hơn do giá cả hợp lý, chất lượng tốt. Tôi từng mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội cách đây 21 năm, siêu thị nào làm ăn đàng hoàng và kể cả các chiêu trò ma mãnh của các siêu thị tôi đều biết hết, nên với cách làm ăn của Vingroup bản thân tôi và nhiều chuyên gia kinh tế khi tham dự lễ ký kết đều đánh giá cao.
Cách làm đó nếu so với phương pháp bình ổn giá của các cơ quan chức năng từng triển khai tại các siêu thị thì sao, thưa ông?
-Tôi đã từng nhắc tới câu chuyện là hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu các siêu thị nội không tự cố gắng, nỗ lực khó có thể cạnh tranh được với các siêu thị được nước ngoài đầu tư. Tuy nhiên, có một thực tế là hàng ngon, hàng đẹp của DN nội sản xuất không vào được siêu thị, toàn để hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… vào siêu thị thôi. Thực tế, sức ép của việc hội nhập chỉ chiếm 30%, 70% còn lại là chính chúng ta tự hại chúng ta.
Theo số liệu của hãng nghiên cứu A.T.Kearey, Việt Nam hiện đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới và nằm trong top 5 thị trường bán lẻ phát triển nhất châu Á. |
Nói về phương pháp bình ổn giá, tôi cho rằng không hiệu quả, bởi giá 1 chai dầu ăn 5 lít ở siêu thị nội đang cao hơn siêu thị ngoại đến 20.000 đồng. Ngay như dịp tết vừa qua, Hà Nội công bố 32.000 tấn rau bình ổn nhưng giá cà chua tăng 4 lần, giá rau tăng 2 lần, không ai chịu trách nhiệm mà chỉ vẽ ra con số không thực tế. Từ đó, nhiều khách hàng bỏ siêu thị nội ra siêu thị ngoại mua vì giá rẻ hơn. Đặc biệt, sau khi kết thúc đợt bình ổn chẳng thấy có thống kê là đã làm lợi cho nhân dân bao nhiêu!
Tôi từng là Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, tôi còn lạ gì cái trò ấy, ai được 100 tỷ, ai được 5 tỷ tiền bình ổn đều có chuyện đằng sau nó cả. TP.Hồ Chí Minh hiện đã bỏ bình ổn lâu rồi, 200 tỷ đồng quỹ bình ổn không có tác dụng, lãi suất 0% ai chịu trách nhiệm đối với khoản tiền thuế của nhân dân?
Xét ở góc độ người nông dân là những người trực tiếp sản xuất nông sản thực phẩm, theo ông với cách làm mới của Vingroup thì nông dân có được hưởng lợi gì không?
-Gốc của vấn đề là ở sản xuất, nếu như người tiêu dùng được sử dụng hàng giá rẻ chất lượng tốt hơn thì người nông dân cũng sẽ có lợi nhuận hợp lý và được hỗ trợ về sản xuất sao cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn. Điều quan trọng nhất là khi nông dân tham gia vào chuỗi liên kết này sẽ không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm, họ chỉ còn nhiệm vụ là làm sao sản xuất ra sản phẩm tốt nhất để cung ứng cho các DN đưa hàng vào siêu thị.
Xin cảm ơn ông!