Tự vấn trước khi định phê bình
Nhiều người có lối suy nghĩ áp đặt và thường cho rằng người khác cứ không giống mình thì sẽ là sai. Bởi vậy mỗi khi cảm thấy không hài lòng về nửa kia ở một điểm gì đó, hãy tự vấn xem mình có đang áp đặt quan điểm cá nhân lên họ hay không. Điều này sẽ giúp bạn cẩn trọng trước khi định cất lời và phê bình một cách nhẹ nhàng hơn.
Chọn thời điểm thích hợp
Phê bình giữa chốn đông người có thể làm người yêu tự ái còn góp ý khi tâm trạng người ấy không tốt thì ý định khuyên nhủ của bạn cũng dễ “xôi hỏng bỏng không”. Bởi vậy, thời điểm phù hợp phải là khi chỉ có hai người và nửa kia đang có tâm trạng tốt. Nếu không chắc chắn, bạn có thể hỏi người ấy xem đây có phải là lúc thích hợp để nói chuyện không.
Hình minh họa
Chỉ góp ý chứ không ép buộc
Đừng luôn miệng bắt người ấy phải làm cái này, cái kia. Cách nhắc nhở tốt nhất là khiến người bị phê bình tự suy nghĩ và nhìn nhận lại hành vi của mình. Có như vậy thì sự thay đổi mới là tự nguyện, không mang tính ép buộc từ một phía và không ảnh hướng tới quan hệ của hai người.
Phê bình một cách cụ thể
Phê bình quá chung chung vừa không đi sâu vào việc giải quyết vấn đề vừa làm cho người bị phê bình khó chịu do cảm thấy lời phê bình chỉ mang tính cá nhân, không chính xác. Bởi vậy, bạn chỉ nên tập trung vào những điều người ấy đã nói hoặc làm một cách cụ thể nhằm tăng khả năng tiếp thu một cách hiệu quả.
Lắng nghe cảm nhận của người ấy
Đây là một việc khá khó khăn khi bạn vẫn còn cảm thấy khó chịu và cho rằng người ấy chỉ đang bao biện. Tuy nhiên, việc lắng nghe là điều cần thiết để duy trì sự thấu cảm giữa hai người và để tình yêu không gục ngã trước những bất đồng nhỏ nhoi. Hãy cẩn thận lắng nghe người ấy giải trình cho những lời nói, hành động của mình, nếu cảm thấy lập luận của người yêu không hề hợp lý thì cũng nên thông cảm, bình tĩnh chỉ ra điểm bất hợp lý và đừng tỏ ra khó chịu. Chiến thắng trong lập luận đôi khi không phải là điều tốt, khiến người ấy để tâm, nhận ra cái sai và có chuyển biến mới là điều bạn cần làm.