Dân Việt

Nhận "án" thất nghiệp vì... yêu nghề giáo

Tùng Anh 07/06/2016 13:08 GMT+7
Năm 2017 các trường sư phạm phải giảm chỉ tiêu đào tạo. Chỉ đạo này được Bộ GDĐT đưa ra trong bối cảnh hơn 70.000 cử nhân sư phạm đối mặt “án” thất nghiệp, hàng trăm ngàn giáo viên khác đang sống khổ với nghề...

Lay lắt với nghề

Cô giáo Nguyễn Thị Loan (Kiến Xương, Thái Bình) tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Thái Bình từ năm 2005. Với chuyên ngành địa lý, Loan rất tự tin khi hàng loạt trường tại địa phương khi ấy thiếu giáo viên dạy địa. Nhưng khi mang hồ sơ đến, cô mới ngã ngửa vì các trường thiếu nhưng lại không có chỉ tiêu.

Loan chấp nhận làm giáo viên hợp đồng với mức thu nhập bèo bọt, chưa đầy 10.000 đồng một tiết, một tháng dạy căng sức mới kiếm được vài trăm nghìn. Để kiếm thêm thu nhập, Loan phải dạy hợp đồng với nhiều trường. “Ban đầu có nhiều nơi thiếu giáo viên nên tổng thu nhập một tháng cũng được trên 1 triệu đồng. Số tiền ấy sống ở nông thôn cũng tạm đủ. Nhưng rồi khoảng trống của các trường cũng dần được lấp đầy, số tiết dạy hợp đồng vì thế cứ vơi dần, vơi dần...” - Loan chia sẻ.

img

Nhiều giáo viên vẫn kiên trì bám lớp, bám trường với thu nhập ít ỏi chỉ vì yêu nghề. (Ảnh minh hoạ). ảnh: Tùng Anh 

Không có “cửa” vào biên chế, để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài giờ lên lớp, cô phải làm đủ nghề, từ lội đồng cấy mấy sào ruộng đến khâu nón, làm vườn… Giáo viên hợp đồng, ngoài tiền tính theo tiết dạy đương nhiên không được hưởng thêm chế độ gì. Cô Loan cho biết, có năm tết đến, trường “thương tình” tặng giáo viên hợp đồng mỗi cô…1kg giò.

“Nhiều lúc nhìn tấm bằng sư phạm của mình mà cay đắng. Trong khi nhiều bạn học vì quá thất vọng và mệt mỏi đã bỏ nghề đi làm công nhân may, đi buôn bán với thu nhập cao hơn và ổn định hơn, thì tôi vẫn muốn được đứng trên bục giảng. Mình khổ vì mình quá yêu nghề…” - cô Loan xúc động kể.

"Khổ nhất là những tháng hè, khi học sinh được nghỉ học thì cô cũng... nghỉ dạy. Giáo viên biên chế nghỉ hè vẫn có lương, còn mình thì tiền lương tính theo tiết, không dạy không có tiền. Thế là cả gia đình chỉ trông chờ vào quán ốc. Nhiều người cứ khuyên bỏ nghề, nhưng chỉ cần nghỉ hè thôi đã thấy nhớ trường nhớ lớp nên tôi không thể bỏ được”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà

Giữa lúc túng quẫn, một người họ hàng mách có thể giúp cô vào biên chế, nhưng với điều kiện phải bỏ quê hương để vào tận Tây Nguyên. Loan cho biết, đó là một quyết định rất khó khăn vì chồng là con một. Cả gia đình, bố mẹ đôi bên đều ở Thái Bình. Vào tận Tây Nguyên chỉ vì cô muốn theo nghề giáo liệu có là sự hy sinh quá lớn của tất cả những người thân?

Hiểu những băn khoăn cũng như lòng yêu nghề của cô, chồng cô đã động viên vợ Nam tiến. “Thế là chúng tôi đi. Ở đây, tôi được làm giáo viên biên chế, chồng làm rẫy, con trai nhỏ cũng đi theo bố mẹ. Tôi thực sự biết ơn chồng mình” – cô Loan kể.

Không được may mắn như cô Loan, nhiều giáo viên hợp đồng khác vẫn đang ngày ngày phải sống căn ke từng đồng bạc lẻ để duy trì ước mơ đứng trên bục giảng. Cô Nguyễn Thị Thu Hà (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng đã làm giáo viên hợp đồng cấp 2 được 7 năm kể từ khi ra trường. Thu nhập của cô Hà mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng. Tháng nào dạy cật lực cô được thêm 500.000 – 600.000 đồng. Để có tiền cho 2 con ăn học, ngày lên bục giảng, tối về cô Hà lại cùng người chồng ốm yếu bệnh tật túi bụi với quán ốc luộc và nước mía vỉa hè.

“Khổ nhất là những tháng hè, khi học sinh được nghỉ học thì cô cũng… nghỉ dạy. Giáo viên biên chế nghỉ hè vẫn có lương, còn mình thì tiền lương tính theo tiết, không dạy không có tiền. Thế là cả gia đình chỉ trông chờ vào quán ốc. Nhiều người cứ khuyên bỏ nghề, nhưng chỉ cần nghỉ hè thôi đã thấy nhớ trường nhớ lớp nên tôi không thể bỏ được” – cô Hà ngậm ngùi nói.

Nay đứng lớp, mai… ra đường

Không chỉ cô Loan, cô Hà, cả nước có lẽ đang có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn giáo viên đang phải bấp bênh với phận... giáo viên hợp đồng. Thu nhập của họ trồi sụt theo số tiết được thuê dạy, không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, họ cũng có thể bị chấm dứt hợp đồng, ra đường bất cứ lúc nào.

Tháng 10.2015, dư luận cả nước xôn xao khi 214 giáo viên hợp đồng bậc mầm non ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, bất ngờ mất việc. Từ huyện miền núi ấy, các cô khăn gói ra tận Hà Nội kêu cứu với Bộ Nội vụ. Cũng trong năm 2015, 184 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn (Hà Nội), gần 100 giáo viên ở huyện Bá Thước (Thanh Hóa) bị chấm dứt hợp đồng. Tháng 5.2014, gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cũng bị mời ra khỏi cổng trường khi mà chỉ còn vài ngày nữa là năm học kết thúc.

Rất nhiều người trong số họ đã có đến 10 năm gắn bó với nghề dạy học, 10 năm chấp nhận những thiệt thòi chỉ để được đứng trên bục giảng. Nhiều người trong số họ là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh.

Trong khi đó, theo thống kê vừa được công bố của PGS-TS Bùi Văn Quân -  Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự kiến đến năm 2020, hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên tốt nghiệp ra trường. Cụ thể, ngành sẽ thừa khoảng 70.000 giáo viên, trong đó có 41.000 giáo viên tiểu học, 12.200 giáo viên trung học cơ sở và 16.900 giáo viên THPT.

Nguyên nhân do hệ thống đào tạo sư phạm quá lớn, hàng chục nghìn sinh viên sư phạm vẫn ra trường đều đều mỗi năm trong khi số lượng học sinh có xu hướng ổn định, thậm chí giảm.

Thống kê của PGS-TS Bùi Văn Quân cho thấy, chỉ trừ tỉnh Đăk Nông, các tỉnh, thành phố còn lại hiện nay mỗi tỉnh có ít nhất 1 cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, vùng miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở, đồng bằng sông Hồng có 26 cơ sở, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ có 23 cơ sở, Tây Nguyên 8 cơ sở, Đông Nam Bộ có 18 cơ sở, đồng bằng sông Cửu Long có 14 cơ sở.

Nhận thấy thực trạng này, trong kế hoạch tuyển sinh năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở đào tạo ngành sư phạm phải giảm chỉ tiêu.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Bùi Văn Quân, làm cách nào giải quyết việc làm cho các sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp, thậm chí hướng đi nào cho chính các trường sư phạm cũng là một bài toán chưa tìm ra lời giải./.

img

Cần giảm số học sinh trên mỗi lớp

 Vấn đề sinh viên sư phạm ra trường khó xin việc không phải là mới mà đã được đề cập đến nhiều năm qua. Nhưng có một nghịch lý là, các trường hiện nay số học sinh trên một lớp quá đông, nhiều nơi lên 60 em một lớp. Với sĩ số đó rất khó đảm bảo chất lượng đào tạo tốt, 1 giáo viên không thể quan tâm và quản lý hết từng học sinh. Trong khi đó thì lại thừa giáo viên. Nếu giảm sĩ số mỗi lớp chỉ còn  25 – 30 em, tăng số lớp trên mỗi khối ở các trường, ta sẽ giải quyết được một số lượng rất lớn giáo viên dư thừa mà lại nâng cao được chất lượng đào tạo.

GS Nguyễn Viết Thịnh -  nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

img

Vẫn thiếu giáo viên cục bộ

 Hiện vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, theo vùng miền, theo môn học, theo bậc học. Cụ thể, thừa giáo viên ở những vùng thuận lợi và thiếu ở những vùng khó khăn.

 Thừa giáo viên ở nhiều môn cơ bản như văn, toán nhưng thiếu giáo viên ở những môn học đặc thù như: Tiếng Anh (dạy từ lớp 3, 4, 5), tin học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Thừa giáo viên phổ thông nhưng lại thiếu giáo viên ở mầm non và giảng viên. Mặt khác, việc khống chế chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ GDĐT cũng hạn chế. Bởi việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường địa phương, Bộ không có quyền can thiệp, kể cả chỉ tiêu sư phạm.

Ông Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo

img

Quy hoạch lại trường sư phạm

 Lương thấp, khó xin việc, trường sư phạm hiện nay không còn thu hút được học sinh giỏi như trước đây. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường phổ thông. Phải quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm. Các trường sư phạm địa phương không thể đứng độc lập mà phải được gắn với hệ thống các trường sư phạm lớn để trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng đào tạo. Quy trình đào tạo giáo viên cũng phải được thiết kế, tổ chức gắn với thực thế đời sống học đường, giảm lý thuyết, tăng thực hành. Các giáo viên cũng phải được bồi dưỡng thường xuyên, phát triển nghề nghiệp liên tục để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

GS Đinh Quang Báo -  Trường Đại học Sư phạm Hà Nội