Dân Việt

Bản “nhảy dù” đói khổ

Duy Hậu 11/06/2016 06:30 GMT+7
Sau gần 20 năm “nhảy dù” vào giữa rừng, cuộc sống của hàng trăm người dân ở bản Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk) vẫn hết sức khó khăn.

“Nhảy dù” vào sống giữa rừng

Cách đây 20 năm, ở Ea Kiết bỗng xuất hiện hơn 10 hộ đồng bào Mông di cư đến “nhảy dù” vào giữa rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm. Họ lén lút chặt cây, tỉa bắp dựng lán tạm sinh sống bất chấp sự ngăn cản của chính quyền địa phương. Ông Phạm Đình Tường- Giám đốc Lâm trường Buôn Ja Wầm kể, lúc ấy huyện đã cho lực lượng phá lều trại đưa dân về quê cũ nhưng thất bại. Ngày đó rừng đang bao la, cái “sảy” không trị dứt điểm được nên đã nảy cái “ung”. Dù đã rất cố gắng để giữ nhưng vẫn có nhiều diện tích rừng bị chặt phá, số dân vào sống giữa rừng ngày càng tăng.

img

Ở bản Mông trong có một điểm trường nhưng chỉ dạy đến lớp 2, muốn học lên nữa những đứa trẻ  ở đây phải lội rừng ra bản Mông ngoài.  ảnh: D.H

Mười năm sau, ở các tiểu khu 540, 544, 547 của Lâm trường Buôn Ja Wầm đã có đến gần 100 hộ dân sinh sống. Và để đảm bảo cuộc sống, họ đã cạo trọc hàng trăm ha rừng để sản xuất. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 400ha rừng bị người dân phá để lấy gỗ làm nhà, lấy đất làm nương rẫy...

 Lãnh đạo xã Ea Kiết và cán bộ Lâm trường Buôn Ja Wầm cho biết, đối với những hộ dân quyết “bám rừng” họ đã hết cách. Mọi biện pháp tuyên truyền vận động đều không hiệu quả. Nhiều năm qua, không chỉ huyện Cư M’gar mà lãnh đạo tỉnh Đăk Lăk cũng rất quan tâm tìm cách đưa dân ra khỏi rừng nhưng “lực bất tòng tâm”…

 Lúc này, trước áp lực mất rừng cũng như để đảm bảo đời sống cho đồng bào sống giữa rừng, địa phương đã quyết định quy hoạch khu ổn định dân di cư tự do, cắt rừng, lập làng mời dân ra ở. Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, dân vào rừng lại tiếp tục tăng, chỉ 4 năm sau, số dân sống giữa rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm đã tăng lên gấp đôi. Khi nhà dự án hoàn thiện, chính quyền vận động dân ra nhận đất, nhận nhà song vẫn có tới 2/3 số dân không “thèm”, số còn lại dù nhận nhà nhưng hầu như không ở mà vẫn tiếp tục ở trong rừng. 

Chính quyền bó tay

Hiện ở Ea Kiết có đến 2 bản người Mông được hình thành từ số dân “nhảy dù” (gọi là bản Mông trong, Mông ngoài). Sống giữa rừng, giao thông cách trở nên cuộc sống người dân ở 2 bản này gặp vô vàn khó khăn, khổ nhất là chuyện đi học của trẻ em. Đã có lần, chúng tôi chứng kiến những đứa trẻ chừng 10 tuổi phải lội rừng từ giữa đêm để kịp đến trường cách nhà hơn chục km. Được biết, trong bản cũng có điểm trường nhưng chỉ dạy đến lớp 2, muốn học lên lớp 3 các em phải băng rừng lội suối ra bản Mông ngoài, cách hơn 10km; và muốn học từ lớp 4 trở lên thì phải ra trung tâm xã cách bản Mông trong gần 20km. Hành trình đi tìm cái chữ quá gian nan nên hầu hết những đứa trẻ ở đây bỏ học giữa chừng, “nối nghiệp” bố mẹ phát rừng làm rẫy.

Ông Hoàng Văn Páo - Trưởng bản Mông bày tỏ: “Gần 20 năm nay, hầu hết dân chúng tôi không có hộ khẩu. Trẻ em ở đây học nhiều lắm cũng chỉ đến lớp 7, lớp 8. Do không có hộ khẩu nên nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước cũng không thể đến được với dân”.

Ông Páo không nhắc đến những khó khăn về kinh tế của người dân nhưng có lẽ điều đó không quan trọng, bởi mọi thứ đang bày ra trước mắt. Đó là những căn nhà tranh lụp xụp, trống hoác, chẳng có một món đồ nào có giá trị; là những đứa trẻ nhem nhuốc túm tụm lại để tranh nhau “thưởng thức” món... muối trắng. Ở đấy, ban ngày chỉ có trẻ con, bố mẹ chúng đã lên nương từ tờ mờ sáng...