Đây là số nợ do chính quyền các cấp quá sốt sắng hoàn thành chỉ tiêu xây dựng NTM mà đã bạo tay đi vay mượn, nó rồi sẽ quy về đâu? Hay rồi được “bổ sung” vào nợ công quốc gia?
Con số 14.000 tỷ là không lớn đối với một chương trình quốc gia có quy mô và tầm cỡ như xây dựng NTM nhưng liệu rằng mắc nợ để xây dựng NTM thì có đáng? Khắp nơi hô hào phát động chương trình này nhưng hiệu quả và thực chất của nó vẫn là vấn đề cần bàn.
Ảnh minh họa
Phát biểu trong một hội nghị, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phải nói rằng: “Không thể có NTM nếu chỉ xây một cái cổng làng, rồi dựng hai con chó đá ở hai bên là xong được, mà phải là người dân được cái gì từ chương trình này”.
Tính hiệu quả là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu chứ không phải chạy theo các tiêu chí “phần trăm” trên giấy, đưa ra các giới hạn thời gian về việc hoàn thành các tiêu chí vô hình tạo áp lực buộc phải đạt được khiến không ít địa phương “lỏng tay” trong việc bình xét các tiêu chí, không ít trường hợp đánh giá qua loa, hời hợt.
Điển hình như việc xây cổng, nhà văn hóa thôn, ấp tốn hàng tỷ đồng để được công nhận đạt các tiêu chí về văn hóa trong khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao chót vót, đời sống thực tế của người dân còn quá khó khăn là điều không hợp lý.
Nghịch lý hơn, trụ sở văn hóa thôn ấp được đầu tư xây tiền tỷ nhưng rất nhiều nơi chỉ đóng cửa bỏ hoang, họa hoằn lắm mỗi tháng chỉ họp hành một lần. Lãng phí này không đáng có và “động cơ” phê duyệt các công trình thiếu hiệu quả này cần được minh bạch, công khai.
Cần xác định mục tiêu đầu tư xây dựng các công trình liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, như y tế, giáo dục, hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết các vấn đề nhức nhối về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm…
Nói cách khác phải sử dụng đồng tiền hiệu quả hơn chứ không nên “vung tay quá trán” để chạy theo thành tích được “gắn bảng” NTM trong khi nợ ngập đầu!
Nếu không có biện pháp chấn chỉnh rồi đây chắc chắn số nợ đọng sẽ không dừng lại ở con số 14.000 tỷ, trong bối cảnh bội chi ngân sách và khó khăn kinh tế hiện nay phải chi tiêu tiết kiệm chứ không nên lấy hình thức trụ sở hoành tráng, cổng chào tiền tỷ làm thước đo.
Cơ sở hạ tầng luôn là nền tảng và quyết định kiến trúc thượng tầng, quy luật vốn có là phải xây dựng nền tảng kinh tế vững mạnh, lấy kinh tế là đòn bẩy và sau đó các thiết chế về văn hóa sẽ hình thành trên nền tảng đó, nhưng hiện nay nhiều địa phương “nhà nghèo chơi sang” làm ngược lại với quy luật khách quan.
Lo ngại trước việc nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương quá nhiều, trong khi đó khả năng trả nợ không có. Lo nhất lại chuyển đổi mục đích sử dụng, bán đất nông nghiệp trả nợ. Không khéo được cái này thì mất cái kia.
Mục tiêu cuối cùng và tối thượng của NTM là người dân thoát nghèo, được sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh, được hưởng các dịch vụ y tế, giao dục tiên tiến và tất cả những dịch vụ đó được xây dựng và hình thành trên nền tảng kinh tế chứ không phải là cái gì khác.
Người dân không thể nhìn trụ sở hoành tráng, cổng chào tiền tỷ mà hết đói hết khổ và NTM cần thực chất chứ không phải là cái bảng hiệu gắn trên mọi con đường.