Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4
Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos vào đầu năm nay đã khẳng định: Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 sẽ có tốc độ và quy mô vô cùng lớn. Nó có khả năng làm thay đổi tất cả các lĩnh vực của đời sống con người. Trong đó, nền tảng IPv6 sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới.
Số lượng địa chỉ IPv4 đã vượt quá lượng người dùng internet và số thiết bị có kết nối internet.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của Internet, Internet of Things (IoT), Cloud, Mobile, Social và Analytics là nền tảng cho sự thay đổi này. Để đáp ứng được sự phát triển vượt bậc, mạng viễn thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.
Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt chính là sự cạn kiệt của không gian địa chỉ IPv4. Địa chỉ IPv4 chỉ có khả năng cung cấp cho 4 tỉ thiết bị kết nối internet, con số lượng này nhỏ hơn dân số của thế giới và nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng các thiết bị có khả năng kết nối internet ngày nay cũng như trong tương lai, chẳng hạn máy tính, điện thoại, TV, đồng hồ, xe hơi, tủ lạnh,…
Chính vì vậy, giao thức IPv6 (viết tắt của Internet Protocol version 6) đã ra đời như một giải pháp công nghệ mới giúp duy trì hoạt động internet ổn định lâu dài trong tương lai.
Chuyển đổi IPv6 là mục tiêu của mọi nhà mạng
Bàn về các vấn đề liên quan tới iPv6, ông Nguyễn Văn Khoa - TGĐ FPT Telecom cho biết, IPv6 không chỉ giải quyết được vấn đề cạn kiệt địa chỉ mà còn khắc phục được những hạn chế của IPv4, đồng thời cung cấp thêm những thuộc tính vượt trội khác. Giao thức mới này dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn. IPv6 sử dụng 128-bit để đánh địa chỉ, do đó có thể hỗ trợ tới 2.128 địa chỉ khác nhau, phục vụ khoảng 340 tỷ tỷ tỷ tỷ thiết bị.
Ở Việt Nam, IPv6 cũng đang được các nhà mạng triển khai tới khách hàng của mình. Để triển khai IPv6, theo ông Khoa, nhà mạng đã phải thành lập ban chuyên trách, chuẩn bị nguồn nhân lực, tài nguyên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ ISP, hệ thống quản lý/giám sát, ứng dụng nội bộ và nhiều dịch vụ khác.
Bên trong trung tâm dữ liệu Data Center EPZ của FPT Telecom.
Là một hoạt động trong nhiệm vụ triển khai IPv6, trong hai ngày 6 và 7.6 vừa qua, FPT Telecom cũng đã đưa vào hoạt động 2 trung tâm dữ liệu (Data Center) đạt chuẩn Uptime Tier III, gồm Data Center EPZ (tại Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) và Data Center Phạm Hùng (tại tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội).
Trong đó, Data Center EPZ được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại miền Nam. Tòa nhà này rộng 3.300m2 được xây dựng trong khuôn viên rộng gần 6.000m2, có sức chứa tổng cộng hơn 800 tủ racks gồm 2 loại 42U và 47U. Tất cả những rack chứa server đều được sắp xếp khoa học dựa theo mô hình của các trung tâm công nghệ cao quốc tế.
Chứng chỉ quốc tế Uptime Tier III do cơ quan Uptime Institute (Mỹ) chứng nhận, là hệ thống tiêu chuẩn đánh giá uy tín nhất dành cho việc xây dựng, vận hành, quản lý và sự ổn định dịch vụ của các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Chứng nhận này đã được cấp và sử dụng cho các Data Center ở 72 quốc gia trên toàn cầu.
Thống kê tình hình triển khai IPv6 của một số nhà mạng tham gia chương trình World IPv6 Launch.
"Thời gian qua, ban triển khai IPv6 của FPT Telecom cũng đã tham gia vào ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho nhà mạng này, đào tạo cán bộ kỹ thuật của đơn vị về IPv6, tham gia các khóa đào tạo của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn IPv6 và cùng với các đơn vị kỹ thuật thử nghiệm, chuyển đổi dịch vụ sang IPv6", TGĐ FPT Telecom chia sẻ.
Theo thông tin từ FPT Telecom, nhà mạng này đang tham gia chương trình World IPv6 Launch của Tổ chức The Internet Society, để phối hợp cùng với 255 nhà mạng trên thế giới chung tay chuyển đổi người dùng sang nền tảng IPv6 với kết quả ban đầu đạt mức 4.71% triển khai IPv6.
Thống kê tới tháng 11.5.2016 trên trang web World IPv6 Launch, FPT Telecom đứng vị trí 155/255 nhà mạng tham gia chương trình này, tính theo tỉ lệ % địa chỉ IPv6 đã triển khai. Tính tới cuối năm 2015, FPT Telecom đã kết nối thành công với Google, Facebook, các website khác qua giao thức IPv6, lưu lượng truy cập đạt trung bình 60Gbps cho 91.200 khách hàng.