Phạm luật mà không biết
Hoằng Yến vốn là làng nấu rượu nổi tiếng của cả huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Mỗi độ giáp tết là các lò nấu rượu thủ công lại được nhộn nhịp đỏ lửa. Ngoài việc cung cấp cho người dân trong làng, trong xã, dịp giáp tết cả làng còn cất rượu cho cả Hà Nội.
Với quy định mới, nhiều lò nấu rượu thủ công ở Quảng Nam sẽ bị dẹp bỏ. |
Sản xuất nhiều là vậy, nhưng khi được hỏi có biết Nghị định 94 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm dán nhãn sản xuất, bà Đỗ Thị Lài (xã Hoằng Yên)- một hộ nấu rượu lắc đầu: "Tôi chưa hề nghe ai nói, cũng chưa nghe chính quyền xã tuyên truyền nên vẫn nấu vậy thôi". Bà Lài cũng cho rằng việc bắt dân đi đăng ký thủ tục để hành nghề nấu rượu cùng với một mớ các quy định kèm theo kiểm định chất lượng, nhãn mác… sẽ "chơi khó" cho bà con. "Thủ tục thì phức tạp, tiền lãi lời thì không được bao, làm sao có thể đi đăng ký sản xuất như nhà máy lớn" - bà Lài phân trần.
Không riêng gì Thanh Hoá, tại nhiều thôn xã trong cả nước, bà con cũng đang nhốn nháo vì quy định cấm nấu rượu tại gia. Bà Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, trú xã miền núi Tiên Sơn, huyện Tiên Phước, Quảng Nam), cho biết: "Tôi nấu rượu gạo đến nay cũng gần 10 năm rồi, nhưng bây giờ mới nghe đến việc nấu rượu cũng phải đi đăng ký sản xuất, phải có nhãn mác. Chúng tôi dân quê làm sao biết làm mấy việc này".
Điều mà bà Hà và các hộ dân ở quê nấu rượu lo lắng nhất là: "Chai rượu lời chưa đến 500 đồng, nay phải tốn thêm tiền bao bì, chai, lọ, kiểu này chắc mai mốt dẹp bỏ nồi nấu rượu quá, nếu dẹp thì việc chăn heo, gà từ đó cũng bị ảnh hưởng"- bà nói.
Chính quyền loay hoay
Theo Nghị định 94, người nấu rượu ở quê phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Tuy nhiên, ngay cả chính quyền cũng lúng túng. Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Thế Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã miền núi Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) cho biết: "Xã Tam Lãnh có khoảng 150 hộ dân nấu rượu theo kiểu chưng cất truyền thống. Giờ Chính phủ có quy định thì phải thực hiện thôi.
Nhưng thực hiện thế nào, quy định cụ thể ra làm sao thì xã vẫn chưa được nghe hướng dẫn từ trên". Theo ông Vinh, trước tiên, chính quyền xã sẽ thông báo rộng rãi đến tất cả các hộ dân nấu rượu và kể cả những tiệm, quầy tạp hóa bán rượu nấu để cho họ biết. Sau đó, sẽ tổ chức kiểm tra tổng thể các khâu chế biến rượu. Nếu đã thông báo rộng rãi mà các hộ sản xuất và kinh doanh rượu quê không đăng ký nhãn mác thì lúc đó xã sẽ lập biên bản và yêu cầu các chủ hộ phải lên xã đăng ký.
Ông Lê Phan Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến (Hoằng Hoá) cũng thừa nhận: "Hiện nay chúng tôi đã nắm được quy định cấm nấu rượu quốc lủi. Thế nhưng cấm là một chuyện, còn ai đi thực hiện lệnh cấm, ai sẽ đứng ra xử lý, xử phạt khi có sai phạm… thì đến nay vẫn chưa thấy có văn bản, nghị định nào hướng dẫn thực hiện. Vì thế xã vẫn đang nghe ngóng thôi chứ chưa làm gì".
Ông Thảo cũng nhận định, Hoằng Yến vốn nổi tiếng toàn huyện bởi nghề nấu rượu từ nước suối. "Xã chưa bao giờ thống kê về các hộ nấu rượu, nhưng ước chừng cũng có gần 200 hộ. Giờ bắt bà con đăng ký nhãn mác, chất lượng sản phẩm thì còn lâu mới làm được. Nếu bị cấm buôn bán ngay thì việc phát triển chăn nuôi nói chung và phát triển kinh tế nói riêng của bà con trong xã ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng".
Lào Cai cũng là địa bàn mà các lò rượu thủ công phát triển với sản phẩm rượu ngô nổi tiếng. Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh này cho biết: “Mới nhận được các văn bản từ chiều ngày hôm qua nhưng do vào những ngày nghỉ cuối tuần nên ngày 7.1 mới nghiên cứu lại để triển khai cho anh em thực hiện. Nếu vướng mắc, chúng tôi sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể lên cấp trên"- vị lãnh đạo này cho biết.
Chưa kiểm tra hộ nấu gia công
"Cái mong muốn đạt tới là người sản xuất thực hiện đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, trong thời gian đầu, dù đã có quy định nhưng việc xử lý chắc chắn sẽ không lớn vì người ta quan tâm nhiều hơn đến rượu lậu, rượu sản xuất hàng loạt… Còn những hộ dân ở nông thôn sản xuất gia công có vài chục lít, chỉ bán cho nhau uống thì chưa đưa vào diện kiểm soát".
Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội
Tốt cho nhiều phía
"Năm 2012 có 33 người tử vong do ngộ độc thực phẩm, thì số người chết do uống phải rượu rởm chiếm hơn 26%. Việc quản lý sản xuất rượu, bắt buộc đăng ký sản xuất, thực hiện gắn tem, nhãn mác... vào sản phẩm rượu trước khi đưa ra thị trường sẽ tốt cho cả cơ quan chức năng, người sản xuất và người tiêu dùng. Với người tiêu dùng, khi sử dụng rượu sẽ biết được nguồn gốc, cơ quan quản lý thì có cái "gậy" để quản lý chặt hơn còn người sản xuất nếu làm ăn chân chính, sản phẩm có chất lượng sẽ ngày càng được nâng cao uy tín, bán được nhiều hàng hơn…".
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Nên có kiểm soát
"Các trường hợp ngộ độc rượu tập thể ở quê thường do các "bợm rượu" đã uống phải rượu pha metanol. Khi nấu rượu, do pha loãng để tăng lời lãi, người nấu thường cho thêm cồn metanol vào để cho rượu đậm đặc hơn. Các "bợm rượu" lại uống vô độ nên đến lúc ngộ độc cũng không hay biết. Việc kiểm soát các lò nấu rượu ở quê cũng rất quan trọng, nên làm để hạn chế các loại rượu độc nói trên".
TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc- Bệnh viện Bạch Mai
Thanh Xuân- Diệu Linh (ghi)
Minh Nguyệt - Trương Hồng - Phi Long