Dân Việt

Hội nghị quốc tế về Trung Đông: Gây tiếng vang nhưng không thực chất

Lư Phổ Ân 08/06/2016 06:30 GMT+7
Sau thất bại của mọi nỗ lực song phương cũng như đa phương nhằm thôi thúc Israel đi vào đàm phán hoà bình thực chất với Palestin, sáng kiến này của Pháp được coi như nỗ lực và quyết tâm mới.

Theo sáng kiến của Pháp, một hội nghị quốc tế về Trung Đông đã được tổ chức ở thủ đô Paris hôm 3.6. Chủ nhân thực sự của sáng kiến này không phải đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Marc Ayrault mà là của người tiền nhiệm và hiện là Chủ tịch Toà án hiến pháp Laurent Fabius.

Ông Fabius muốn dùng hội nghị quốc tế này để gia tăng áp lực từ bên ngoài đối với Chính phủ Israel và cá nhân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm khởi động trở lại tiến trình đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestin. Vì thế, đi cùng với sáng kiến này, ông Fabius đã dọa Israel rằng nếu Israel không chịu nối lại đàm phán hoà bình với Palestin thì Pháp sẽ đơn phương công nhận Nhà nước Palestin độc lập. Ông Ayrault tiếp nhận sáng kiến của ông Fabius nhưng không tiếp nhận cả lời đe dọa nói trên.

img

Tại hội nghị, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi "các cuộc đàm phán trực tiếp vô điều kiện giữa các bên”.  ảnh: AFP

Sau thất bại của mọi nỗ lực song phương cũng như đa phương nhằm thôi thúc Israel đi vào đàm phán hoà bình thực chất với Palestin, sáng kiến này của Pháp được coi như nỗ lực và quyết tâm mới. Ý nghĩa tích cực đáng khích lệ của nó cũng chính ở đó. Không chỉ có Mỹ mà đến cả cái gọi là Bộ tứ về Trung Đông gồm: Liên Hợp Quốc, EU, Mỹ và Nga - cho tới nay đều không thuyết phục được Israel chấm dứt chính sách xây dựng trái phép những khu định cư cho người Do Thái trên những khu vực lãnh thổ của người Palestin. Việc này hiện bị coi là trở ngại lớn nhất đối với sự khởi động trở lại của tiến trình đàm phán hoà bình trực tiếp giữa Israel và Palestin. Sáng kiến của Pháp về tổ chức hội nghị quốc tế thể hiện cách tiếp cận mới tới việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestin ở Trung Đông.

Tham dự hội nghị này không chỉ có bộ tứ về Trung Đông nói trên mà còn có cả Liên đoàn Ả rập, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và đại diện của nhiều quốc gia khác nữa ở trong cũng như bên ngoài khu vực Trung Đông, tổng cộng cả thảy 28 thành viên. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của hội nghị là không có sự tham gia của hai bên xung đột trực tiếp với nhau là Israel và Palestin. Ông Netanyahu đã thẳng thừng bác bỏ sáng kiến của Pháp về hình thành khuôn khổ diễn đàn hội nghị quốc tế mới về Trung Đông. Những trở ngại lâu nay vì thế vẫn tồn tại và vẫn cản trở toàn bộ tiến trình hoà bình. Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất tới Israel nhưng giữ thái độ nửa vời, thụ động chứ không chủ động, chờ đợi chứ không hối thúc.

Phía Israel không còn thật sự sẵn sàng đàm phán hoà bình với Palestin trong khi tỏ ra thiện chí đàm phán song phương với Palestin để xoa dịu dư luận quốc tế, chủ ý làm cho cả bốn vấn đề tồn tại lâu nay nan giải thêm chứ không mở đường cho giải pháp. Hội nghị ở Paris vì thế có được tiếng vang nhưng kết quả rốt cục lại chưa thực chất./.