Dân Việt

TP.HCM xin xây dựng bộ SGK riêng: Bình thường, đúng chủ trương (!?)

Tùng Anh 09/06/2016 06:33 GMT+7
Báo NTNN ra ngày 8.6 thông tin: Lãnh đạo TP.HCM vừa đề nghị với Bộ GDĐT về việc xin tự xây dựng 1 bộ sách giáo khoa (SGK) riêng cho địa phương này. Nhiều người bất ngờ về đề xuất này, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, đây hoàn toàn là việc làm bình thường, đúng chủ trương...

“Thể hiện đặc trưng Nam Bộ”

Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh mong muốn thời gian tới được cho phép thực hiện các cơ chế đặc thù về giáo dục như: Tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ SGK riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GDĐT; Chương trình cấp học xây dựng theo hướng mở: một số môn học bắt buộc là Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.

img

Sắp tới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa được đưa vào sử dụng (ảnh minh hoa). 

Giải thích đề xuất này, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GDĐT ngày 7.6, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng cho biết, TP.Hồ Chí Minh có văn hóa riêng mang "đặc trưng Nam Bộ". Chương trình GDĐT cũng phải duy trì được bản sắc của người Sài Gòn - TP.HCM như nghĩa khí, hào sảng, không vụ lợi, dấn thân...

Đây không phải là lần đầu tiên địa phương này đưa ra đề xuất được sử dụng riêng 1 bộ SGK đặc thù. Trước đó, từng có tranh cãi về việc sẽ có sự phân biệt vùng miền nếu như chấp nhận cho TP.Hồ Chí Minh được sử dụng SGK riêng.

63 bộ sách giáo khoa?

Nhiều người lo ngại rằng, nếu Bộ GDĐT chấp nhận cho thực hiện các cơ chế này, sắp tới 63 tỉnh, thành phố đều làm sách giáo khoa thì thị trường SGK cả nước sẽ rối loạn. PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc thực hiện 1 chương trình nhiều bộ SGK đã được Quốc hội phê duyệt và Chính phủ  ra quyết định. Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do bộ GDĐT ban hành. Chính vì vậy TP.Hồ Chí Minh đề xuất được xây dựng SGK riêng là hoàn toàn bình thường và đúng với chủ trương. Tuy nhiên, cần làm rõ vấn đề thẩm định và kiểm soát chất lượng SGK ra sao.

"Bộ GDĐT phải  đưa ra 1 bộ khung chương trình chuẩn và yêu cầu về kiến thức mà học sinh đạt được. Dựa trên bộ khung đó, các tập thể, cá nhân có thể làm SGK. Bộ sẽ phải thành lập 1 ban thẩm định chất lượng SGK. Phải xem xét là địa phương này, cá nhân này có đủ điều kiện làm sách không, sách có phù hợp không, đúng chuẩn không? Nếu thẩm định không được thì loại bỏ, nếu họ làm tốt thì phê duyệt cho họ làm và nhân rộng cho sử dụng" - ông Nhĩ nói.

 Theo lộ trình, đến năm học 2018-2019 sẽ triển khai dạy theo chương trình, SGK mới lớp 1, lớp 6 và lớp 10.  Có nghĩa là nếu đến năm 2018 - 2019, nếu bộ SGK của TP.Hồ Chí Minh xây dựng đáp ứng được yêu cầu mới thì đương nhiên được dùng, nếu không đáp ứng được  thì phải thay hoặc điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo ông Nhĩ: "Chúng ta không nên sợ SGK có yếu tố vùng miền. Thực tế, trước đây đã có nhiều bộ SGK đặc thù dành cho miền núi, miền Bắc... Trên thế giới họ cũng đã thực hiện nhiều bộ SGK cho từng vùng riêng biệt. SGK chỉ là công cụ truyền tải khung chương trình thôi".

Ông Nhĩ cũng thừa nhận, sẽ khó có chuyện "đua đòi" làm SGK ở cả 63 tỉnh thành, bởi lẽ: "Làm được 1 bộ SGK không hề đơn giản và ngược lại rất tốn kém. Bộ GDĐT từng cho ra con số 34.000 tỷ đồng hay 700 tỷ đồng để làm SGK. Chính vì vậy, chỉ có những nơi thực sự có điều kiện nhân lực, vật lực họ mới dám làm. TP.Hồ Chí Minh với chục triệu dân, rất nhiều nhà khoa học... thì hoàn toàn có thể làm được".

Nói về vấn đề này, PGS - TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học, ủy viên bộ phận Thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK (Bộ GDĐT) từng cho biết, SGK của TP.Hồ Chí Minh biên soạn cũng phải dựa theo chương trình SGK hiện hành. Nếu có, bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn.