5 tác phẩm được những người yêu thích hội họa, nghệ thuật trả giá cao để sở hữu gồm 3 bức tranh, một tủ thờ cổ và đặc biệt là đôi chóe Tứ Linh. Đôi chóe này (của nghệ nhân Phạm Anh Đạo) đã được hai tập đoàn kinh tế “đặc biệt” quan tâm. Giá khởi điểm là 900 triệu đồng nhưng sau cùng đã được đại diện một tập đoàn chốt giá với mức 6 tỷ 50 triệu đồng để được sở hữu…
Đây là một bất ngờ lớn trong cả phiên đấu giá.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì lại có những thông tin khiến người ta chạnh lòng.
Đôi chóe luôn chiếm vị trí trung tâm tại phiên đấu giá. Ảnh: Phạm Huy Thông
Ban đầu, ai cũng mừng cho thị trường nghệ thuật Việt đã khởi sắc và mừng cho nghệ nhân Phạm Anh Đạo. Đôi chóe này không phải đồ cổ mà là một tác phẩm “đương đại” mới ra đời cách đây 6 năm.
Điểm nổi bật của đôi chóe nằm ở kích thước khổng lồ với đường kính gần 2 người ôm, ở kỹ thuật chế tác đặc biệt khi được gia công hoàn toàn bằng tay theo kỹ thuật “vuốt gốm” cổ truyền. Và đặc biệt hơn nữa là câu chuyện về người sáng tạo ra nó - nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo.
39 tuổi, căn bệnh từ nhỏ gần như lấy mất toàn bộ khả năng nghe, nói của Đạo. Bù lại, trời phú cho anh một đôi bàn tay tài hoa và sự say mê đặc biệt với nghề gốm truyền thống của gia đình.
Để có được đôi chóe này, Đạo đã mất gần 1 năm chuẩn bị, với chi phí hơn 250 triệu đồng. Trong đó, chỉ riêng tiền gas để đốt lò nung cho đôi chóe cùng một cặp lục bình và một bát hương cũng đã lên tới gần 40 triệu đồng. Anh và cộng sự phải thức trắng suốt 6 ngày đêm để canh lò nung.
Bởi thế, thành công của việc đấu giá đôi chóe đã trở thành nguồn động viên to lớn với anh.
Nhưng một sự cố bất ngờ lại vừa diễn ra. Đơn vị đấu giá vừa có thông báo rằng, người thắng cuộc lại rút lui và chấp nhận mất 50 triệu đồng tiền đặt cọc. Cụ thể, ngày 6/6, đơn vị đã nhận được phản hồi chính thức từ ông Vũ Mạnh Hùng (đại diện cho ông Đỗ Anh Dũng) về việc từ chối mua tài sản ông đã đấu trúng tại phiên đấu giá nêu trên.
Theo Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt, căn cứ theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và Quy chế bán đấu giá số 56/2016/QC-ĐGLV ban hành ngày 16/5/2016: khách hàng Vũ Mạnh Hùng (đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng) sẽ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc là 50 triệu đồng.
Đồng thời, cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề là khách hàng Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hải Phát với giá trúng là 6 tỷ đồng.
***
Đáng chú ý, trong thông cáo của mình, Công ty Cổ phần Bán đấu giá Lạc Việt chủ động khẳng định rằng đơn vị này “còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm” sau khi tổ chức bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ có thêm một số kiến nghị gửi Luật Đấu giá sắp ban hành, để ngành đấu giá Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp và hội nhập phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phiên đấu giá tối 28/5 tại Hà Nội là lần đầu tiên các tác phẩm nghệ thuật được tổ chức đấu giá công khai tại thị trường trong nước. Sau phiên đấu giá đình đám, nhiều người đã mừng vui xem nó như cú hích để tạo dựng thị trường mỹ thuật Việt trong tương lai.
Bởi dù không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng nhưng chúng ta vẫn không tìm ra đáp án đối với câu hỏi khó: “Có hay không thị trường mỹ thuật Việt?
Câu trả lời thuyết phục người ta nhất là Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa hoặc có cũng rất manh mún. Nhiều tác phẩm có giá trị lại được người nước ngoài săn lùng và mua, còn người Việt lại chỉ mua tác phẩm như tranh, ảnh ít giá trị nghệ thuật để trang trí tư gia.
Nghệ sĩ Việt, nghệ thuật Việt cứ bị “chảy máu”, các tác phẩm người nước ngoài mua ở Việt Nam với giá thấp nhưng khi đem bán ở thị trường quốc tế thì mức giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần.
Sau cuộc đấu giá, có vẻ chúng ta đã mừng hụt. Không biết nên buồn cho nghệ nhân Phạm Anh Đạo hay cho nền nghệ thuật Việt.
Hy vọng người trả giá thứ 2 còn hứng thú rước đôi chóe về.