Công nghệ Goal-line
Công nghệ Goal-line giúp xác định chính xác bóng đã qua vạch vôi hay chưa.
Công nghệ vi tính giúp xác định chính xác bóng đã lăn qua vạch vôi hay chưa đã được sử dụng trong các giải đấu quốc nội như Premier League của Anh và Bundesliga của Đức. FIFA cũng từng dùng cho World Cup 2014 tại Brazil. Hiện có hai nhà sản xuất cung cấp công nghệ dạng này là Goal Control của Đức và Hawk-Eye của Anh.
Liên đoàn bóng đá châu Âu - UEFA, đã quyết định sử dụng Hawk-Eye, sản phẩm của Basingstoke cho giải bóng đá cấp quốc gia lớn nhất châu lục. Ngay sau đó, công nghệ này cũng sẽ được áp dụng cho Champions League. Tuy nhiên, Goal-line chỉ là công cụ giúp các trọng tài đưa ra quyết định chính xác hơn trong các tình huống nhạy cảm.
Xem trực tiếp các trận đấu qua công nghệ thực tế ảo
Máy quay 360 độ của Nokia được sử dụng tại Euro 2016.
Công nghệ thực tế ảo bùng nổ trong năm 2016 với sự phát triển của cả thiết bị hỗ trợ (kính VR) lẫn nội dung. Không ngạc nhiên khi một số trận đấu tại Euro 2016 cũng áp dụng xu hướng mới này.
Camera Ozo của Nokia từng được thử nghiệm tại trận chung kết Champions League năm nay sẽ được áp dụng cho những trận đấu của đội tuyển Anh tại Euro 2016. Mỗi bộ thiết bị Ozo sử dụng 8 ống kính góc rộng, 8 micro khác nhau có chi phí khoảng 61.000 USD. Người xem khi đó sẽ cảm nhận được không khí trận đấu như đang ở trực tiếp sân vận động khi đeo các kính VR.
Thiết bị đeo thông minh cho các cầu thủ
Các thiết bị đeo có thể gắn lên áo đấu hoặc giày của cầu thủ.
Đội tuyển Đức từng sử dụng giải pháp miCoach của Adidas trong các buổi tập ở World Cup 2014 nhằm theo dõi mọi thứ từ tốc độ, nhịp tim, khoảng cách chạy. Các thiết bị đeo dạng này sau đó đã trở thành chuẩn mực với nhiều đội bóng. Như đương kim vô địch giải Ngoại hạng Anh, Leicester City cũng sử dụng OptimumEye S5 Catapult Sport cho phép giám sát tới 800 đến 900 điểm dữ liệu mỗi giây. Các thông số sẽ giúp chuyên gia phỏng đoán, phòng ngừa chấn thương cho các buổi tập.
Các thiết bị đeo không chỉ giúp huấn luyện viên trong việc đào tạo cầu thủ mà còn là công cụ đắc lực cho đài truyền hình. Các dữ liệu thu thập từ hai đội cho phép phân tích trận đấu tốt và chính xác hơn. Tại Euro 2016, các thiết bị dạng này cũng sẽ được áp dụng rộng rãi.
Chống thiết bị bay không người lái (drone)
Drone từng là nguyên nhân khiến trận đấu vòng loại Euro 2016 giữa Albania và Serbia bị hủy.
Các thiết bị bay không người lái ngày càng phổ biến nhưng cũng thường gây tình trạng lộn xộn tại các trận đấu bóng đá lớn. Tiêu biểu là sự việc gây tranh cãi trong trận vòng loại Euro 2016 giữa Albania và Serbia. Một nhóm cổ động viên đã sử dụng drone mang theo một lá cờ bay vào giữa sân khi trận đấu đang diễn ra.
Các nhà chức trách Pháp tuyên bố đã sử dụng một số biện pháp chống thiết bị bay không người lái. Khu vực cấm bay sẽ được thiết lập trên hầu hết các sân tập, sân vận động diễn ra các trận đấu chính thức. Tuy không được tiết lộ về cách thức chống cụ thể nhưng các chuyên gia công nghệ cho rằng nước chủ nhà Euro 2016 sẽ dùng cách phá sóng điều khiển của drone.