Dân Việt

“Thiên đường” cho những mảnh đời đơn côi

29/07/2011 06:22 GMT+7
(Dân Việt) - Cuộc đời nhiều cụ già không nơi nương tựa, những cháu bé mồ côi không chốn đi về... bỗng được “tái sinh” trong “đại gia đình” ở Trung tâm Dưỡng lão, hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích.

Trung tâm Dưỡng lão, hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích (còn gọi là Mái ấm Phật Tích) nằm trên địa bàn xã Phật Tích, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Chung một gia đình

Sau chừng một năm đi vào hoạt động, 42 cháu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ đã được đón về đây. Mỗi cháu mỗi hoàn cảnh, nhưng các cháu đều có điểm chung là bố mẹ mất sớm, không nơi nương tựa.

Trong số những cháu bé mới được đưa về đây, Nguyễn Văn Tuấn xuất thân từ một vùng quê nghèo của Hải Phòng. Bố Tuấn đã mất từ khi em mới chập chững biết đi. Cách đây 2 năm, mẹ Tuấn cũng qua đời sau một thời gian ốm đau liên miên. Mất cha, mất mẹ, Tuấn chuyển về ở nhà cậu, nhưng nhà cậu cũng nghèo, vì thế cuộc sống của Tuấn cũng bấp bênh, chẳng rõ tương lai.

img
Các em nhỏ mới được đưa về Mái ấm Phật Tích.

Rồi, cơ hội “đổi đời” đã đến với em, khi Tuấn được đón về Mái ấm Phật Tích hồi năm ngoái. Kể từ khi được đón về đây, Tuấn đã tìm được chỗ dựa vững chắc cho mình. Tuấn nói: “Ở đây, cháu được ăn ngon, mặc đẹp, lại còn được đi học nữa. Ngoài ra chúng cháu còn được các sư thầy trên chùa Phật Tích dạy cho môn khí công để rèn luyện sức khoẻ”.

Bỏ lại câu chuyện vẫn còn dang dở, Tuấn dẫn chúng tôi vào thăm nơi ở của mình. Đó là một ngôi nhà được xây dựng khang trang, rộng rãi, chia làm nhiều phòng: Phòng ngủ rất ấm cúng, có quạt trần, tủ đựng quần áo, các đồ sinh hoạt cá nhân, hệ thống vệ sinh khép kín, có cả bình tắm nóng, lạnh và máy giặt. Ngoài ra còn có phòng học, phòng khách riêng biệt.

Với tổng diện tích 12ha, Trung tâm Dưỡng lão, hướng nghiệp phát triển tài năng trẻ Phật Tích có 20 tòa nhà, trong đó có 7 nhà ở dành cho các cụ già, 6 tòa nhà dành cho trẻ em. Theo dự kiến, giai đoạn 1, trung tâm có quy mô đủ sức nuôi dưỡng khoảng 150 người, gồm 75 cụ già và 75 em nhỏ. Giai đoạn 2 sẽ tăng lên thành 300 người.

Hầu hết các cháu về với Mái ấm Phật Tích có tuổi đời còn rất nhỏ. Bình là thành viên nhỏ nhất trong số đó. Năm nay Bình 6 tuổi, nhưng em có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố mẹ mất khi Bình còn đang bi bô, cháu phải đi ở nhờ hết nhà này đến nhà khác.

Không giấu được vẻ hồn nhiên, Bình khoe: “Vui lắm chú ạ. Ở đây cháu có cả ông bà, bố mẹ và các anh chị nữa. Này nhé, cụ Lộc, ông Tất, ông Thắng, mẹ Đào… các anh chị thì nhiều lắm”. Nói rồi, Bình cười vui sướng.

Cậu bé người Mông Lầu Mí Say cũng là một trường hợp đặc biệt. Năm ngoái, Say được “bế” về Phật Tích trong sự ngỡ ngàng của em. Say vốn quê ở xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang). Mới lớn lên, Say đã chịu cảnh nghèo khó, rồi chưa kịp lớn, Say đã mất cả cha lẫn mẹ. Và cuộc đời Say đã bước sang một “trang mới”. Vào tháng 7.2010, được sự giới thiệu của Sở LĐTBXH Hà Giang, Say được về với Mái ấm Phật Tích. Ở đây, em được chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ và còn được cắp sách tới trường.

img
Khuôn viên của trung tâm đẹp chẳng khác khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Cách nhà của các cháu nhỏ không xa là 7 ngôi nhà khác dành cho các cụ già. Trong đợt đầu, trung tâm đã đón 14 cụ về nuôi dưỡng. Nơi ở của các cụ được trang bị đầy đủ tiện ghi hiện đại.

Cụ Lộc (86 tuổi), quê ở Hải Phòng vừa được đưa đến đây chưa lâu. Vốn không chồng, không con, cụ sống bằng nghề làm ruộng. Nhưng rồi “cái tuổi nó đuổi sức đi”, cụ không còn làm được nhiều nữa, việc kiếm miếng ăn đối với cụ vì vậy cũng ngày càng khó khăn...

Ngồi nói chuyện trong căn phòng rộng rãi, cụ thổ lộ: “Lúc đầu, khi các cán bộ về đón tôi cương quyết không đi, vì nghĩ làm gì có ai nuôi không cái thân già này. Không ngờ đến đây các cán bộ tốt lắm. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đều được chăm sóc chu đáo. Ốm có bác sĩ khám, đau có người xoa bóp, động viên. Giờ thì tôi có thể yên tâm nhắm mắt rồi”.

Tất cả vì hai chữ “Thiện Tâm”

Dạo quanh Mái ấm Phật Tích mới cảm nhận hết được những điều tốt đẹp nhất mà mái ấm này mang lại cho các cụ già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi. Khuôn viên của Mái ấm có vườn cây ăn quả, vườn rau, vườn hoa, ao cá. Mái ấm Phật Tích có đội ngũ cán bộ nhân viên, điều dưỡng viên, bác sĩ, các cô bảo mẫu phục vụ tận tình, chu đáo.

PGS.TS Mai Tất Tố - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Mái ấm Phật Tích được xây dựng trên tinh thần tương thân tương ái nhằm giúp đỡ những người già cô đơn và trẻ mồ côi, đặc biệt là các đối tượng chính sách trên cả nước. Ngoài việc đầu tư khu nhà ở cho người già và trẻ em, trung tâm còn đầu tư cơ sở y học cổ truyền góp phần hướng nghiệp và chăm sóc sức khỏe từ thiện. Hai chữ “Thiện Tâm” là những gì mà tất cả cán bộ nơi đây phải có và ngày càng làm tốt hơn.

Với các cụ già, trung tâm sẽ nuôi dưỡng hết sức tận tâm, phụng dưỡng chu đáo đến khi các cụ mất. Với các em nhỏ, ngoài nuôi dưỡng, chăm sóc, chúng tôi còn phối hợp với nhà trường đào tạo cho các cháu đến năm 18 tuổi. Sau đó, cháu nào đỗ đại học hay cao đẳng, Quỹ Thiện Tâm sẽ bảo trợ đến khi tốt nghiệp ra trường. Cháu nào không đỗ đại học, Quỹ sẽ đưa vào trường dạy nghề của Quỹ để hoàn thiện nghề nghiệp và lo công việc làm các cháu có nhu cầu”.

Để đăng ký xin vào Trung tâm Phật Tích, các cá nhân có nhu cầu có thể liên hệ trực tiếp với Văn phòng Trung tâm Phật Tích tại Hà Nội (tầng 8, tòa nhà Vincom City Towers, 191 Bà Triệu, Hà Nội).

Đại đức Thích Đức Thiện - trụ trì chùa Phật Tích, Phó Ban Kinh tế tài chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ: “Ở đời phải làm việc thiện để cứu vớt chúng sinh chuyển hóa tâm, tạo nghiệp thiện cho tương lai của mình. Mái ấm Phật Tích sẽ là đất Phật từ bi cứu giúp những cuộc đời vất vả với trần ai, đây cũng là địa chỉ để mọi người cùng làm việc phúc thiện”.

Trước khi rời trung tâm, PGS-TS Mai Tất Tố nắm tay chúng tôi dặn dò: “Các nhà báo đi nhiều nơi, nếu gặp các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ mà không có nơi nương tựa thì nhớ gọi điện báo cho chúng tôi. Chúng tôi không làm cho các cháu sung sướng được như có cha, có mẹ nhưng chí ít cũng giúp các cháu vượt qua được những năm tháng khó khăn đầu đời cho đến lúc các cháu trưởng thành”.