Dân Việt

Nên chấm dứt từ thiện “câu like”

Hòa Bình 10/06/2016 17:35 GMT+7
Xung quanh vấn đề chính đặt ra là làm từ thiện vì ai, có phải chủ yếu để “câu like”, có những quan điểm gay gắt đã đặt ra và bị các “sao” phản ứng dữ dội.

Làm từ thiện để làm gì? Làm vì ai? Có phải là vì người nghèo cần hỗ trợ, hay còn vì để thoả mãn cho lương tâm? Hầu như “sao” nào cũng tham gia làm từ thiện, vì có điều kiện kinh tế, có tiếng nói để kêu gọi từ các nhà hảo tâm khác. Thế nhưng, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang phản ứng khá dữ dội về chuyện nay thì hoa hậu này “vô tư hát múa với người nghèo”, mai thì ca sĩ kia “giản dị cùng người yêu đi trao quà Tết”… Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng người nghèo chỉ đóng vai quần chúng, và nếu giả sử Việt Nam không còn người nghèo nữa thì các “sao” sẽ rất buồn, vì không còn cái cớ để thể hiện “lòng tốt” của mình. Về phía các “sao”, rất khó có thể chấp nhận những nhận định cho rằng từ thiện chủ yếu để “câu like”.

Thưa nhiếp ảnh gia Na Sơn, vì sao anh lên mạng xã hội “chửi” tiến sĩ Đặng Hoàng Giang ghê thế? Có phải vì anh cũng là một trong những người nhiệt tình mang quần áo ấm lên vùng cao tặng trẻ em nghèo? Xét thực chất thì những quan điểm của TS Đặng Hoàng Giang không sai vì nếu tư duy theo kiểu phần quà phải to nhất, hoành tráng nhất thì thực sự rất lãng phí. Và nếu việc tặng chỉ đơn thuần là mang quần áo ấm đến cho người dân tộc, về lâu dài sẽ làm mất bản sắc văn hoá dân tộc của người vùng cao khi họ cứ mặc những quần áo được cho tặng của người dưới xuôi?

img

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh mặc dù rất bận rộn nhưng vẫn liên tục tổ chức những chuyến tình nguyện lên miền núi mang áo ấm cho trẻ em nghèo.

- Nhiếp ảnh gia Na Sơn: Thời tiết lạnh giá như thế mà quần áo của người dân tộc là không thể che đỡ được cái lạnh vùng cao, trời rét cắt da, nhưng trẻ con cần đi học, cho nên việc mình tặng họ áo quần chỉ để chống lạnh là một việc làm hữu ích, nên làm. Hơn nữa, áo quần chỉ là bề ngoài, không phản ánh gì về nội hàm văn hoá của người dân tộc. Là người thường xuyên đến từ thiện ở các vùng núi cao, tôi ghi nhận các dân tộc thiểu số đang giữ gìn rất tốt văn hoá của họ, tốt hơn hẳn người dưới xuôi chúng ta. Mình không hiểu họ thì cũng đừng nên dùng cái hạn hẹp của mình để phán xét họ.

Trong quá trình đi làm từ thiện lâu nay, có khi nào anh cảm thấy có nguy cơ vì để mình được thanh thản mà mình lại làm hại đối tượng được giúp đỡ?

- Nhiếp ảnh gia Na Sơn: Chuyện làm từ thiện chắc chắn có những tác động đến đối tượng và đến cộng đồng. Chẳng hạn như ở chùa Bồ Đề lúc nào cũng có quá nhiều bánh kẹo, hoặc quần áo khi được nhiều nhóm mang tặng mà không phân loại, không giặt giũ, ủi phẳng, phân loại lứa tuổi đưa vào bịch ni-lon mà chỉ “quẳng” ra một bịch đủ thứ cả áo ngủ, đồ trẻ nhỏ, người nhận không thể dùng được. Các địa chỉ từ thiện đâu phải cái sọt rác.

Không thể chỉ vì tiện đường, vì địa chỉ đã được biết tới nên cứ thế mang tới, cứ thế tặng, không cần biết người ta có thực sự cần hay không. Nhưng tôi cho rằng các hiện tượng đó vẫn chỉ là những nhóm, hoặc các cá thể, chứ không phải tất cả công việc từ thiện là như thế. Chủ yếu là do điều tra, nghiên cứu về cộng đồng chưa kỹ, chưa hiểu rõ về đối tượng nhận. Muốn làm từ thiện thật, cần nghiên cứu rất kỹ về tâm lý, tập quán của cộng đồng nhận. Tôi thường đi từ thiện trên vùng dân tộc Mông, nên tôi hiểu rõ, họ rất khái tính, và đòi hỏi sự công bằng. Hãy đặt mình vào tâm thế của người nhận, rồi hãy đem cho. Càng làm từ thiện nhiều, càng phải sáng tạo hơn, suy nghĩ nhiều hơn.

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh đã có những tranh luận đối kháng quyết liệt và không đồng ý với quan điểm “từ thiện câu like” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Có phải Thái Thuỳ Linh bức xúc chủ yếu vì bản thân mình là trưởng nhóm từ thiện Tim hồng, thường xuyên mang áo ấm lên cho trẻ em vùng cao? Thế còn các địa điểm khác, chẳng hạn như bãi giữa sông Hồng, một khu vực được khá nhiều đoàn từ thiện viếng thăm, nhưng oái oăm là quà của các đoàn từ thiện bị người dân phản ứng nặng nề vì không phù hợp, vậy đối với nhóm Tim hồng của Thái Thuỳ Linh thì sao?

- Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Chính tôi đã trực tiếp đi tiền trạm khu vực bãi giữa sông Hồng hồi cuối năm ngoái, và kết luận là nhóm Tim hồng không làm gì cả. Không phải người dân ở đó không cần giúp đỡ thêm gì, mà là những gì nhóm chúng tôi có thể làm được thì không phù hợp với khu vực đó. Thay vì thế, Tim hồng đã mang quà tới hỗ trợ cho xóm chạy thận. Tôi nghĩ, thực sự rất cần người tiền trạm có tâm, có tư duy sắc bén và có chiến lược lâu dài. Chưa chắc những gì người ta cần mình đã nên giúp, phải xem cái gì thực sự nằm trong khả năng của mình và cái gì tốt hơn cho người nhận thì hãy cho.

Các phóng sự cũng đã phản ánh người dân kêu ca quá nhiều về việc làm từ thiện theo quán tính mà không cần suy nghĩ của một bộ phận khá đông những người đang đi làm từ thiện trong xã hội. Nhiều người dân đã nói thẳng rằng các nhóm từ thiện đến rồi, hứa rất nhiều nhưng một đi không trở lại và chủ yếu chỉ là lợi dụng thôi. Người dân nghèo cần những công việc ổn định, thay vì mang cho thức ăn thừa hay một số nhu yếu phẩm không dùng tới, mà trong đó có thể rất nhiều thứ không thể sử dụng được. Thái Thuỳ Linh có thể chia sẻ thêm về những lần đi từ thiện và gặp phải sự từ chối từ chính cộng đồng?

- Ca sĩ Thái Thuỳ Linh: Khi đi làm từ thiện, bao giờ chúng tôi cũng phải chuẩn bị thừa ra so với số lượng cần, chẳng hạn như có 120 em nhỏ thì mình phải có 150 chiếc áo. Để nếu như có 30% không sử dụng được thì cũng phải còn lại khoảng 70% là đến được đúng đối tượng cần và sử dụng được. Ngay cả thế mà nhiều khi cũng phải “nóng mặt” vấp phải những phản hồi thiếu tích cực. Có cô giáo chê nhóm tôi là thời nay nếu có thì mang quần áo mới đến chứ quần áo cũ thế ai cần. Nhưng cô giáo đó không phải là người từng phải lặn lội vượt cả 80 km để xin quần áo cũ cho học sinh. Nên tôi vẫn thường xuyên nói với các bạn trong nhóm, nếu chỉ vì bức xúc của những người phát ngôn thiếu trách nhiệm, hay chỉ vì chuyện thị phi với các “anh hùng bàn phím” mà không mang quần áo ấm tới miền núi thì mình lại áy náy lương tâm vì các em học sinh nghèo đâu có lỗi gì.

Nhóm Tim hồng chỉ hướng tới đối tượng duy nhất là trẻ nhỏ từ hệ mầm non tới học sinh tiểu học và trung học cơ sở, là những trẻ chưa tới tuổi lao động, chưa thể tự kiếm sống, nên chúng tôi không thể cho các em “chiếc cần”, mà vẫn phải cho “con cá”.

Đừng từ thiện chỉ để “câu like”

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong chương trình 60 phút mở của VTV, đã đưa ý kiến cho rằng một cộng đồng quen nhận từ thiện sẽ trở nên thụ động và chỉ ngửa tay nhận tiền, nhận quà. Có những vùng được các tour du lịch set up sẵn đưa việc từ thiện vào chương trình, nên ngày nào cũng có khách du lịch được dẫn tới để tặng quà cho dân làng. Cả một làng như vậy sẽ suy sụp và trở thành một làng ăn xin. Vì thế, người đi làm từ thiện cần sáng tạo hơn, sâu sát hơn, chẳng hạn những động thái như từ thiện cứu dưa hấu ở miền Trung chứ không phải là cứ gom chăn màn, áo ấm cho tặng.

Dư luận cũng đã từng xôn xao phản ứng hai chiều khi bài viết “từ thiện câu like” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang được đăng tải. Trong đó anh đưa quan điểm “nên từ bỏ tâm thế của người ban phát”. Và “Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, cầu may, đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất khả năng gắn kết của cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội”.