Dĩ nhiên, có cầu thì mới có cung, phải thiếu thịt mới nhập khẩu thịt, hoặc giá thịt trong nước phải cao hơn giá thịt quốc tế nên mới có chuyện nhập khẩu. Nhưng có một lý do tuy đơn giản nhưng lại giải thích được cho hiện tượng này: Đó là do chăn nuôi ở nước ta còn hàm chứa quá nhiều rủi ro, lắm dịch bệnh; do giá thức ăn gia súc ở VN quá cao, còn giá bán các loại thịt hơi thì khá bấp bênh nên “cung” tại chỗ nhiều khi không đáp ứng được “cầu” tại chỗ.
Cứ về các vùng nông thôn chúng ta sẽ thấy, việc nhà nông chăn nuôi bây giờ rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Các con vật nuôi lấy thịt truyền thống như lợn, bò, gà, vịt… ngày càng thu hẹp đàn. Cao Bằng là một tỉnh miền núi rất có tiềm năng chăn nuôi, nhưng đi suốt ngày ở các huyện xã chỉ thấy lác đác mấy con bò, mấy con trâu.
Từ chỗ chăn nuôi không phát triển tới chỗ phải nhập khẩu thịt cũng là điều dễ hiểu. Nhưng nếu chăn nuôi cứ tiếp tục không phát triển, và chúng ta cứ phải nhập khẩu thịt như thế này hoặc hơn nữa, thì sẽ dẫn tới mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại, trong khi nước ta vẫn coi xuất khẩu thực phẩm là một mũi nhọn.
Trong lúc xuất khẩu cá basa của VN sang Mỹ hay Canada đang gặp nhiều khó khăn, nhiều người nuôi cá basa trong nước đang đứng bên bờ vực phá sản, thì việc nhập khẩu thịt với số lượng lớn như thế này là đáng báo động.
Không thể nói bây giờ kinh tế thị trường rồi, cứ “nước chảy chỗ trũng”, chỗ nào giá cao thì mua chỗ giá thấp tải về, chỗ nào cầu cần thì cung tới ngay đáp ứng… vì nếu thiếu sự bảo hộ ở những thời điểm và những lĩnh vực khó khăn, thì sản xuất nội địa có nguy cơ phá sản.
Nếu giá thịt từ sản xuất nội địa không thể cạnh tranh nổi với giá thịt nhập khẩu, thì chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ đình đốn. Để gây dựng một đàn, dù là đàn gà đàn vịt hay đàn trâu đàn bò đều cần vốn, cần công sức và nhất là cần thời gian. Nhưng để làm tiêu hủy một đàn dù lớn dù nhỏ thì lại chỉ cần một thời gian ngắn kèm việc tăng giá thức ăn chăn nuôi hay nhập khẩu thịt giá hạ về cạnh tranh là đủ.
Thanh Thảo