Dân Việt

Đua nhau hút cát biển để... trồng tỏi Lý Sơn!

Công Xuân 13/06/2016 10:08 GMT+7
Nhiều người dân Lý Sơn đã đầu tư từ 200-250 triệu đồng để sắm bè, máy rồi đưa ra vùng biển ven bờ đảo hút lấy và đưa vào bờ sử dụng, hoặc bán cho người khác.

Trừ những lúc sóng to, gió lớn tạm dừng hoạt động, ngày thường, với 7 bè đang hoạt động có công suất hút cát 30 m3/bè/ngày, lượng cát ở vùng biển ven bờ của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã bị vơi đi tới 210m3/ngày. Câu hỏi là: Lượng cát này dùng làm gì, đi về đâu?

img

Một bè hút cát ở khu vực biển cách bờ đảo khoảng 1.000m. Ảnh: C.X

Thiếu cát trồng tỏi

Để trồng được 2 loại cây hành, tỏi có chất lượng thơm ngon nổi tiếng lâu nay, người dân đảo Lý Sơn không thể thiếu loại cát biển pha vôi rất đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây. Theo đó cùng với lớp đất thịt ở phía dưới, cứ sau 2-3 vụ trồng, tương ứng với thời gian khoảng 1 năm là người dân phải cào lớp đất cát đã trải ở phía trên, để thay bằng lớp cát mới.

Bà Nguyễn Thị Viên (41 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải cho biết: "Với 2 sào (500m2/sào) đất trồng hành, tỏi của gia đình thì lượng cát mới cần để thay đổi cho số cát cũ khoảng 10m3/năm. Nếu không thay lớp cát mới mà vẫn giữ nguyên lớp cát cũ, thì cây hành, tỏi sẽ không phát triển và chất lượng thơm ngon riêng biệt của nó giảm đi nhiều".

Nhẩm tính diện tích trồng hành, tỏi hàng năm của Lý Sơn khoảng 120ha và  lượng cát mới cần để thay thế trung bình khoảng 4m3/sào, người dân Lý Sơn đã sử dụng gần 900m3 cát. Chính vì vậy nên sau một thời gian dài khai thác, sự tác động và xâm lấn của biển... dẫn đến nguồn cát trên đảo đến nay gần như đã không còn. Vì vậy để có cát, nhiều người dân Lý Sơn đã phải đầu tư từ 200-250 triệu đồng để sắm bè, máy rồi đưa ra vùng biển ven bờ đảo hút lấy và đưa vào bờ sử dụng, hoặc bán cho người khác.

Nhắm mắt làm liều

"Chúng tôi đã nắm được thông tin này. Huyện sẽ có những giải pháp vừa để nghề trồng hành tỏi Lý Sơn vừa phát triển nhưng vừa bảo vệ môi trường bền vững".

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi

Ông Bùi Văn Thu (55 tuổi), ở thôn Tây, xã An Vĩnh không giấu giếm: "Tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng đóng bè, mua máy hút và thuyền máy để làm nghề này được khoảng 2 năm nay".

Trừ những lúc biển động, sóng to... hàng ngày cứ vào tầm 6-7 giờ ông Thu cùng với 2-3 người thân cho kéo bè, đưa máy ra khu vực biển cách bờ đảo khoảng 1.000m để hút cát với số lượng khoảng 30m3. Đến khoảng 10-11 giờ lại kéo bè vô gần sát bờ, sau đó lại dùng máy bơm phun lên để sử dụng, hoặc bán cho người khác với giá hiện là 90.000 đồng/m3. Sau khi trừ chi phí kiếm được từ 500.000-700.000 đồng/ngày/người. Được biết hiện trên đảo có tất cả khoảng 7 bè hoạt động, tính ra số lượng cát ở vùng biển gần bờ của đảo đã bị lấy đi khoảng 210m3/ngày. 

Một chủ bè xin giấu tên trần tình với phóng viên: "Chúng tôi biết hút cát như vậy sẽ gây hại môi trường của biển, thế nhưng nếu không có cát thì việc trồng hành, tỏi sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng rất mong ban ngành chức năng có giải pháp thoả đáng làm sao cho người trồng tỏi có đủ cát để phục vụ sản xuất. Nếu làm được vậy thì chúng tôi sẽ bỏ bè hút cát thôi”.