Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ khẳng định mức độ quan hệ tốt đẹp, hiệu quả và tin cậy với nhau bằng cuộc tập trận hải quan chung năm nay mang tên Malabar. Năm 1992, Mỹ và Ấn Độ thỏa thuận tiến hành hàng năm cuộc tập trận này và từ năm ngoái mở cửa cho Nhật Bản tham gia.
Mọi năm, Malabar được tiến hành ở Ấn Độ Dương, nhưng năm nay lại được tiến hành ở gần Nhật Bản, lần đầu tiên ở khu vực Thái Bình Dương, mà lại còn rất gần quần đảo Nhật Bản đang quản lý nhưng bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền.
Tàu tác chiến cận bờ USS Milwaukee trong một lần chạy thử trên biển ở tốc độ cao - Ảnh: Hải quân Mỹ
Nó được tiến hành ngay sau khi hải quân Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào vùng biển ở xung quanh quần đảo. Trước đó, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu ép sát máy bay trinh sát của Mỹ ở khu vực Biển Đông. Nêu ra như vậy để thấy cuộc tập trận hải quân chung này của Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản diễn ra ở nơi rất nhạy cảm đối với Trung Quốc và Nhật Bản và trong bối cảnh tình hình Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản ở trên biển Hoa Đông và với một số nước khác ở khu vực Biển Đông, tiếp tục lấn tới ở cả hai khu vực với ý đồ làm thay đổi thực trạng, bành trướng những vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, từng bước quân sự hoá và chiếm đóng hoàn toàn khu vực Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Ý đồ và hành động của Trung Quốc động chạm trực tiếp tới lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực, đồng thời thách thức cả lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Đối phó Trung Quốc là một trong những lợi ích chung, mục tiêu và động lực quan trọng khiến ba nước này tuy không liên minh với nhau nhưng cũng đã liên kết và liên thủ.
Sự bất đồng quan điểm và cả xung khắc lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và khu vực Biển Đông đã bộc lộ rõ và trở nên ngày càng sâu sắc hơn. Các đối tác bên ngoài có thể thế dàng nhận ra điều này tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm nay và ở vòng thứ 8 cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ vừa được tiến hành ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Trên các diễn đàn quốc tế và đối thoại song phương, cả hai còn giữ ý với nhau trong khi trên thực địa thì vẫn tiếp tục có những phép thử giới hạn phản ứng của nhau để xác định giới hạn hành động của chính mình.
Họ đều kiên định ý đồ chiến lược và tiếp tục lấn tới nhưng không để xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp. Trung Quốc cho máy bay ép sát may bay trinh sát của Mỹ ở khu vực Biển Đông để thể hiện là không chùn bước trước những phát biểu, áp lực và hoạt động của Mỹ ở khu vực này. Trung Quốc cho tàu chiến của hải quân xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku theo tiếng Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc cũng để thử phản ứng của cả Mỹ lẫn Nhật Bản và để dư luận bớt chỉ tập trung để ý đến những hành động sai trái của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Bộ ba liên kết và liên thủ để thể hiện cho Trung Quốc thấy là không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở khu vực và để thể hiện quyết tâm cũng như khả năng bảo vệ sự cân bằng chiến lược hiện tại ở khu vực. Không phải vô cớ mà ba nước này công khai thể hiện mức độ hiện tại của mối quan hệ hợp tác tay ba, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh. Với sự liên thủ tay ba này, Mỹ không chỉ khẳng định sự chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn có thêm được công cụ và phương cách hữu hiệu để thực hiện sự điều chỉnh chiến lược ấy, có Ấn Độ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương và Nhật Bản ở khu vực Thái Bình Dương sẽ tạo nên thế thuận lợi trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Nhật Bản có thêm đồng minh trong đối phó Trung Quốc. Ấn Độ vươn được tới cả khu vực Thái Bình Dương. Và cả Nhật Bản lẫn Ấn Độ đều có thêm cơ hội cũng như điều kiện thuận lợi để gây dựng vai trò chính trị, quân sự và an ninh to lớn hơn ở khu vực cũng như trên thế giới.