Đó là thông tin đưa ra tại hội nghị tham quan đầu bờ và sơ kết sản xuất hạt giống lúa lai F1, duy trì và nhân dòng bố mẹ lúa lai vụ đông xuân 2015-2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) phối hợp Sở NNPTNT Nam Định tổ chức ngày 11.6.
Mô hình dự án lúa lai F1 tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường (Nam Định). Ảnh: H.V
Nhân rộng quy mô
Theo TTKNQG, Việt Nam đã tự sản xuất được hạt giống lúa lai trong nước với quy mô tương đối lớn. Vụ đông xuân 2015-2016, trên địa bàn cả nước có 12 đơn vị tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 11 tỉnh, thành phố với quy mô 1.464ha. Trong vùng dự án có 9 đơn vị tham gia thực hiện tại 8 tỉnh Lào Cai, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Nam, Đăk Lăk, Cần Thơ và Hậu Giang, với tổng diện tích 720ha. Tổng sản lượng hạt lai F1 ước đạt khoảng 7.500-8.000 tấn, đáp ứng từ 37 - 40% nhu cầu hạt giống trong nước.
Ông Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG cho biết, năm 2015 với diện 920 ha, tổng sản lượng hạt lai F1 đạt 2.450 tấn. Chỉ tính bình quân giá bán thấp hơn giá nhập khẩu 10.000 đồng/kg, đã tiết kiệm được khoảng 24,5 tỷ đồng. Việc sản xuất lúa lai cũng đem lại hiệu quả gián tiếp. Với sản lượng 2.450 tấn giống F1, dự kiến gieo cấy được khoảng 80.000ha thóc thương phẩm. Ước tăng năng suất bình quân 10 tạ/ha, sản lượng tăng khoảng 80.000 tấn thóc, tương đương khoảng 480-500 tỷ đồng.
Ông Thông đánh giá kết quả dự án: “Trước đây, hạt giống lúa đều chủ yếu nhập từ nước ngoài với giá đắt, chất lượng cũng chưa chắc đảm bảo. Khi sản xuất giống lúa lai F1 và ứng dụng thành công, chúng ta dần chủ động được nguồn giống trong nước với chất lượng không thua kém giống nước ngoài, giá thành rẻ hơn 15-20%. Đồng thời dự án cũng tạo ra nghề sản xuất lúa giống cho nông dân với mức thu nhập ổn định, nhiều hơn khoảng 24,6 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm”.
Ông Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG thông tin về kết quả dự án tại hội nghị. Ảnh: H.V
Bên cạnh đó, với dự án “Duy trì và sản xuất hạt giống bố, mẹ của một số tổ hợp lúa lai 2 và 3 dòng phổ biến cho năng suất và chất lượng cao”, năng suất các dòng mẹ đạt 65,9 tấn/ha, các dòng bố đạt 17,2 tấn/ha, có giá thành và giá bán thấp hơn so với các dòng bố, mẹ nhập khẩu từ nước ngoài 25-30%.
Ông Đỗ Văn Minh ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường (Nam Định) tham gia dự án sản xuất lúa lai F1 nhị ưu 838 theo chuỗi khép kín do Công ty TNHH Cường Tân đầu tư, cho biết: “Năm đầu tiên còn bỡ ngỡ vì chưa hiểu rõ giống lai, quy trình gieo cấy nên năng suất lúa không cao. Khi được tham gia nhiều đợt tập huấn của cán bộ TTKNQG và được cán bộ kỹ thuật của công ty xuống tận ruộng hướng dẫn, tôi đã hiểu được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống bố và mẹ để cho những bông lúa lai F1 năng suất, ít sâu bệnh”.
Ông Minh cho hay, từ đầu vụ, phía công ty ký kết thu mua sản phẩm giá cao gấp 4 lần so với lúa thương phẩm. Tất cả những mô hình sản xuất hạt lúa lai F1 do Công ty TNHH Cường Tân đầu tư xây dựng đều khép kín từ khâu cung ứng đầu vào, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bao tiêu sản phẩm. Sau khi thu hoạch, các hộ sản xuất đóng bao rồi chở tới công ty sấy nên không mất công sức và chi phí phơi khô. Tính ra mỗi vụ, năng suất đạt 1,2 tạ/sào thu về gần 3 triệu đồng/sào.
Tạo niềm tin cho doanh nghiệp
Chúng tôi cũng cần có chính sách để duy trì, tạo động lực sản xuất, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Nếu không có sức đẩy thu hút doanh nghiệp thì khẳng định một điều chúng ta sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào cây con giống của nước ngoài”. Ông Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân |
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Việt Nam đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của TTKNQG cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp tham gia dự án lúa lai F1 và khẳng định: Bộ NNPTNT luôn luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ cam kết sẽ có những chính sách phù hợp để giúp đỡ tối đa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tháo gỡ khó khăn, tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai tránh những điều kiện rủi ro bởi thời tiết, thiên tai.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Phùng Hoan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng nên xây dựng chương trình khuyến nông riêng cho hoạt sản xuất giống, trong đó có sản xuất giống lúa lai. Nếu có chương trình như vậy thì nên ưu tiên cho các doanh nghiệp tham gia để nâng cao sản xuất hạt giống. Hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua định hướng thị trường, minh bạch hóa thị trường, có các chương trình khảo nghiệm, chính sách để các hạt giống của Việt Nam nói chung, Nam Định nói riêng, có điều kiện phát triển ngày càng tốt hơn.
Ông Đoàn Văn Sáu – Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân - đơn vị vừa sản xuất hạt giống lúa lai bố mẹ 2 và 3 dòng, vừa sản xuất hạt giống lúa lai F1 với diện tích lớn nhất cả nước, chia sẻ: “Cường Tân đã có hơn 400ha đưa vào sản xuất vừa hạt lai và các mặt hàng khác. Tôi cho rằng chỉ có thể tích tụ được diện tích đất thì mới thành công trong nông nghiệp, mới chuyển đổi được cơ cấu trong nông nghiệp. Nếu nông dân cứ xé lẻ thì sẽ không có hiệu quả nên càng cần doanh nghiệp bắt tay”.