1. Vụ việc Tinh Vân có phải là một sản phẩm văn hóa, văn nghệ không?
Tiết mục "văn nghệ" nhảy múa của nhân viên Công ty Tinh Vân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 17 đã được ghi lại bằng video clip. Điều khác thường là ý đồ đạo diễn và nội dung chính của tiết mục này là sự khuyến khích cởi quần áo (lột đồ) của các thành viên; trong quá trình nhảy đôi các bạn nam lột đồ của các bạn nữ rồi đến lượt các bạn nam lột áo của chính mình. Hành vi trên được tôn vinh ngay trên sân khấu trước phông màn ngày lễ của Công ty và được cổ vũ, hưởng ứng trong tiếng nhạc, tiếng hú hét của số đông người dưới sân khấu...
Hành vi trên có văn hóa không? Tiết mục trên có đúng là văn nghệ không? Tôi dám chắc rằng cả bạn, tôi và hầu hết mọi người trên thế giới này đều cho rằng đó không phải là văn hóa hay văn nghệ. Đó là biểu hiện của phản văn hóa hay còn gọi là "văn hóa dưới chuẩn”, có xu hướng nổi lên trong thời gian gần đây ở một số công ty, ở một số người làm nghề nghệ thuật như ca sỹ, người mẫu... mặc dù dư luận xã hội đã nhiều lần lên án.
Màn múa thoát y gây phản cảm ở công ty Tinh Vân |
Bản chất của văn hóa là sự thể hiện tinh hoa nhân tính và năng lực sáng tạo của con người; là khát vọng vươn tới cái đẹp và sự phát triển cá nhân, xã hội một cách toàn diện, hài hòa, bền vững.
Theo tôi, nhận biết một hành vi hay sản phẩm của con người, tổ chức có phải là văn hóa không cần thỏa mãn đủ 3 tiêu chí cơ bản sau: 1 - có tính cộng đồng, được số đông người tự nhiên chấp nhận, làm theo; 2 - là cái ổn định, bền vững, có thể lưu truyền qua nhiều đời; 3 - có giá trị, thể hiện tinh hoa của cộng đồng, loài người; là một hệ thống gồm 3 giá trị và chuẩn mực: chân - thiện - mỹ.
Trong các tiêu chí nhận biết văn hóa thì cái thứ 3 là quan trọng nhất. Nói cách khác, nó phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục và bản sắc dân tộc Việt Nam. Thiếu tiêu chí này thì mọi sản phẩm do con người, tổ chức tạo ra dù có tính cộng đồng và di truyền xã hội vẫn chỉ là cái thứ "văn hóa dưới chuẩn” hay "văn nghệ" phi văn hóa.
Tiết mục biểu diễn (dù trong nội bộ tổ chức) của Công ty Tinh Vân rõ ràng là sai và xấu - ngược với chuẩn mực chân và mỹ của thế giới văn minh - vì nó làm theo hình thức vũ (nhảy) đôi, còn gọi là vũ quốc tế, nhưng lại cố tình vi phạm quy chuẩn chung để của vũ hiện đại là ăn mặc đẹp, hành vi đẹp, tôn trọng, lịch sự với bạn nhảy và người xem.
Việc tự tiện lột đồ của bạn nữ và người này còn tự do mặc bikini hai mảnh hoặc đồ lót khiêu vũ trước đông người rõ ràng là một hành vi sai, xấu, không tôn trọng bạn nhảy và khán giả. Thêm nữa, hành vi nhảy múa như vậy là không thiện, là ác vì nó cố ý khơi dậy, cổ vũ cho cái bản năng tự nhiên hoang dã của con người - cái mà con người văn minh đòi hỏi phải dùng văn hóa để làm chủ và kiểm soát; đó là cái bản năng chinh phục, chiếm hữu người khác một cách dã man, thô thiển.
Trong cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ phát trên VTV vừa qua cũng có đôi nhảy làm động tác "lột đồ" nhưng người xem chấp nhận được vì họ diễn có giới hạn, không vi phạm chuẩn mực của vũ quốc tế và không lộ rõ động cơ, mục đích xấu như của Tinh Vân.
Tóm lại, nhìn từ góc độ nào và chiếu theo các giá trị, chuẩn mực của các nền văn hóa, văn minh phương Đông hay phương Tây, thì tiết mục vũ đôi hay nhảy múa hiện đại nói trên của Công ty Tinh Vân đều là rất kém văn hóa hoặc là không có văn hóa.
2. Văn hóa doanh nghiệp trong tình trạng bị cái xấu chi phối, lấn át
Trước hết phải khẳng định rằng mặc dù có cái đặc thù của lĩnh vực hoạt động và nghề nghiệp làm kinh doanh nhưng văn hóa doanh nghiệp chỉ là một bộ phận có cái riêng chứ không phải là một loại khác so với văn hóa chung của một cộng đồng, quốc gia, thế giới. Cái gì phản lại hoặc ở dưới chuẩn so với văn hóa dân tộc thì rất khoát không phải là văn hóa doanh nghiệp, cùng lắm thì gọi là thứ "văn hóa doanh nghiệp xấu".
Từ góc độ nghiên cứu, tôi thấy xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình đấu tranh lâu dài, phức tạp trong một môi trường đầy cám dỗ và chuẩn mực định hướng hành vi không rõ; thường xuyên phải có sự lựa chọn, điểu chỉnh giữa các mặt đối lập và trạng thái khác nhau: tự phát và có lý tưởng, dễ dãi và kỳ công, hưởng thụ và cống hiến, món lợi trước mắt và lợi ích lâu dài, tự do cá nhân và trách nhiệm cộng đồng...
Vì cuộc hành trình khó khăn như vậy cho nên nhiều công ty chỉ làm văn hóa doanh nghiệp một cách hình thức, chiếu lệ, không dám đụng chạm tới hành vi và lợi ích của bộ phận lãnh đạo, thì không thể đi đến mục tiêu cuối cùng của nó là cống hiến cho xã hội các sản phẩm và thành quả có tính chân - thiện - mỹ. Tình trạng ở nhiều nơi, nhiều lúc đã xảy ra hiện tượng cái xấu lấn át cái đẹp, cái thiện phải nhường bước cho cái ác và nhiều người mất lòng tin vào chân lý, công lý thì đương nhiên văn hóa doanh nghiệp sẽ khó phát huy được hiệu lực, hiệu quả của nó.
Có hai cách hiểu sai, làm sai cần phòng tránh trong việc xây dựng, áp dụng văn hóa doanh nghiệp ở nước ta hiện nay. Một là, chỉ chú trọng tới chức năng đối nội của văn hóa doanh nghiệp, rèn giũa nhân viên, xây dựng văn hóa trong giao tiếp, ứng xử nội bộ, có thể cả ứng xử với khách hàng, nhưng không đủ tầm sáng tạo, chinh phục khách hàng bằng các sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo có hàm lượng văn hóa cao, có bản sắc của doanh nghiệp.
Hai là, chỉ chú trọng tới chức năng đối ngoại và phát triển kinh doanh của văn hóa doanh nghiệp mà buông lỏng việc xây dựng các quy chế quản lý ứng xử nội bộ, không khuyến khích nhân viên tự tu dưỡng, họp tập không ngừng.
Lãnh đạo theo quan điểm này có thể quản lý nghiêm khắc nhân viên trong giờ làm việc còn đến giờ nghỉ, trong các sinh hoạt, vui chơi tập thể, thì lại buông hoàn toàn cho nhân viên tùy ý diễn; họ thường có suy nghĩ khuyến khích nhân viên làm hết sức, chơi hết mình, anh em lao động vất vả rồi đến khi nghỉ vui chơi cần cho họ thật tự do, thoải mái.
Thêm nữa, họ cho rằng sinh hoạt văn nghệ nội bộ của tổ chức mình thì người ngoài làm sao biết được. Cách nghĩ, cách ứng xử của lãnh đạo đơn giản và dễ dãi như vậy sẽ dẫn tới các "tai nạn" về văn hóa doanh nghiệp như đã xảy ra ở Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần Tinh Vân...
3. Sự nổi tiếng, thành đạt và nền tảng văn hóa của doanh nhân, doanh nghiệp
Tôi không cho rằng các vụ việc trên là một hình thức "đánh bóng" tên tuổi và xây dựng thương hiệu khôn ngoan, có hiệu quả.
Nếu doanh nhân, lãnh đạo doanh nghiệp muốn nổi tiếng bằng cách này (tạo scandal phản văn hóa) thì họ sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng mất khả năng kiểm soát hoặc bị tự sát. Trên thế giới đã có những doanh nhân trở thành rất giàu có, quyền lực và nổi tiếng bằng các thủ đoạn kinh doanh phi chuẩn và lãnh đạo doanh nghiệp lâu dài bằng một nền văn hóa xấu.
Múa giả gái như thế này có được coi là hành vi văn hóa?
Nhà tỉ phú Rupert Murdoch - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông News International - "kẻ xấu xa vĩ đại" trong giới doanh nhân[2] là một trường hợp điển hình. Việc phát giác vụ nghe lén điện thoại của doanh nghiệp này gần đây đã giáng một đòn chí mạng vào sự nghiệp của cá nhân, gia đình và sự sống còn của các tổ chức do ông trùm này lãnh đạo và tiếp tục gây ra những bê bối chính trị lan rộng đến những người ủng hộ, bợ đỡ ông ở nhiều nước.
Xét từ phương diện pháp luật thì tội của Murdoch và doanh nghiệp của ông không quá nặng. Song công luận, nhân dân và các nhà nước không thể dung thứ cho ông vì những vi phạm có chủ ý trong đạo lý xã hội và đạo đức kinh doanh của một doanh nhân chuyên nghiệp rất giàu có và nổi tiếng.
Tính chất phản nhân văn của nó là đã cố gắng khai thác, kinh doanh trong mặt tối của xã hội, từ nỗi đau khổ của những người đã bị tổn thương, mất mát (nghe lén điện thoại của các gia đình có con bị mất tích, có người thân bị khủng bố...). Thực tế đã chứng minh rằng phương thức kinh doanh và lãnh đạo doanh nghiệp này không thể bền vững vì thiếu một nền tảng nhân văn.
Cái cốt lõi của con người là nhân cách còn nhân cách, bản sắc của doanh nghiệp chính là cái văn hóa của nó, bao gồm nhiều yếu tố hợp thành như tài sản, diện mạo, ăn mặc, ứng xử, hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn nghệ, thể thao, đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh, các giá trị nền tảng...Bài học cần rút ra ở đây là hình thức lao động, vui chơi nào cũng cần có văn hóa, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần có sự lãnh đạo cả trong kinh doanh và sinh họa cộng đồng; cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chức năng đối nội và chức năng đối ngoại, phát triển xã hội.
Muốn có một hệ thống văn hóa doanh nghiệp thực sự là nền tảng tinh thần, hệ điều tiết và động lực cho sự phát triển của doanh nghiệp thì người đứng đầu, cấp lãnh đạo của nó phải có tầm nhìn và có nhân cách đẹp, đủ sức thu hút, quy tụ, dẫn dắt nhân viên cùng phấn đấu tới mục tiêu cao hơn chuyện kiếm tiền và nổi tiếng. Và lãnh đạo doanh nghiệp phải có thẩm quyền- trách nhiệm về các hành vi văn hóa của cá nhân và doanh nghiệp mà họ lãnh đạo.
4. Cần một cách ứng xử nhân văn trước tai nạn, sự mất mát của doanh nghiệp
Tôi chưa biết rõ các động cơ, nguyên nhân gây nên các vụ việc phản văn hóa liên quan đến các tiết mục "văn nghệ nội bộ" ở FPT và Tinh Vân đã được công luận phơi bày. Nếu đây chỉ là những "tai nạn" liên quan văn hóa doanh nghiệp do lãnh đạo chủ quan, không quản trị được rủi ro... , tức là phạm lỗi không cố ý, thì chúng ta cần có cách nhìn nhận đúng mức và ứng xử độ lượng với các cá nhân và tổ chức đó.
Tôi không cho rằng những lỗi văn hóa đã phân tích ở trên là nhẹ song cũng không muốn bị adua theo một quan điểm cực đoan khác là phủ nhận sạch trơn những thành quả, giá trị của các công ty có nền văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Khi FPT bị tai nạn trong một tiết mục văn nghệ có nhiều ý kiến đã phê phán, phủ định hoàn toàn đối với hệ thống văn hóa doanh nghiệp của nó. Thực tế cho thấy, sau bước vấp ngã này lãnh đạo FPT có khả năng sửa được sai lầm của mình, tiếp tục hoàn thiện, phát triển văn hóa doanh nghiệp và phát triển tập đoàn.
Bài học từ FPT sẽ có ích cho Công ty Tinh Vân nếu lãnh đạo của doanh nghiệp này thực sự cầu thị, có tâm sáng và có tầm nhìn xa. Và chúng ta cũng không mong muốn lại có thêm những doanh nghiệp khác lại tiếp tục tái diễn vụ việc nói trên như đã xảy ra ở FPT, Tinh Vân.