Dân Việt

40 nước ủng hộ Trung Quốc về Biển Đông chỉ là "danh sách ma"

Thanh Minh (Theo Diplomat) 14/06/2016 13:00 GMT+7
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra một thông báo gây sửng sốt: "hơn 40 quốc gia đã ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông". Đâu là sự thật?

Theo tờ The Diplomat, lời công bố được đưa ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Đây là hành động trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế bên ngoài khu vực. Để làm được điều đó, Bắc Kinh đã có những hành động, lời nói và chương trình cụ thể để đi ve vãn các đối tác nhằm củng cố vị thế của mình trong vùng Biển Đông trước quyết định của tòa án, mà được cho là sẽ đứng về phía Manila.

Người Phát ngôn Hoa Xuân Oánh cho biết “rất nhiều quốc gia, cũng như Liên đoàn Ả Rập, một số tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn trong khu vực đã công khai xác nhận ủng hộ Trung Quốc”.

Trong chiến dịch để giành chiến thắng, Trung Quốc đã chủ yếu ve vãn các quốc gia nhỏ hơn. Bà Hoa Xuân Oánh cho biết, Niger- đất nước có dân số 17 triệu người, là nước mới nhất lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, trước đó Bắc Kinh cho biết có Burundi, Slovenia và Mozambique lên tiếng ủng hộ.

“Tôi tin rằng ngày càng có nhiều người tìm hiểu về vấn đề Biển Đông và ngày càng có nhiều nước lên tiếng ủng hộ cho lập trường của Trung Quốc”, bà Oánh nói thêm.

img

Hình ảnh Trung Quốc cải tạo và xây dựng trái phép trên đá Subi được vệ tinh ghi lại hồi tháng 1.2016. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, cho đến nay, bản "danh sách hơn 40 quốc gia" vẫn được Bắc Kinh giữ kín một cách đáng ngờ. Sự thiếu công khai này có thể cho thấy Trung Quốc đang gặp phải khó khăn, nhất là khi một số quốc gia, trong đó có Campuchia, Lào, Slovenia và Fiji lên tiếng phủ nhận nằm trong danh sách trên.

Trung tâm Phát thanh Truyền hình Fiji ngay lập tức công khai thông tin phản hồi rằng: "Fiji không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông". 

Tuy nhiên, vẫn có một số ít các quốc gia sẵn sàng ủng hộ Bắc Kinh. Theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 4.2016, "Kyrgyzstan hoàn toàn hiểu và ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và sẵn sàng củng cố quan hệ phối hợp với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực".

Một quan chức khác thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 5.2 cũng đã nhấn mạnh rằng Afghanistan "ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua kênh song phương và thông qua các giải pháp hòa bình như đàm phán và thương lượng. Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố rằng Belarus "hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Trung Quốc" trong vấn đề Biển Đông. 

Việc những quốc gia này lên tiếng ủng hộ Trung Quốc là hoàn toàn bình thường khi sự phụ thuộc vào Trung Quốc của Kyrgyzstan và Afghanistan đã được thể hiện rất rõ trong các tài liệu. Thậm chí Belarus, quốc gia không hề có biên giới chung với Trung Quốc, cũng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc. Năm 2015, bà Shannon Tiezzi, biên tập viên của tờ "The Diplomat", đã gọi Belarus là "cửa ngõ vào châu Âu" của Trung Quốc khi quốc gia này liên tục tán dương "Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa" của Bắc Kinh. 

Ngoài ra, Kazakhstan và Sudan cũng kêu gọi một giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông nhưng né tránh việc đề nghị Bắc Kinh phải "tôn trọng phán quyết của PCA". Tương tự như vậy vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) Rashid Olimov nhấn mạnh rằng "giải pháp song phương "tốt hơn giải pháp quốc tế hóa" cho vấn đề Biển Đông.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng nhấn mạnh rằng Moscow mong muốn "các xung đột được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan mà không có sự can dự từ bên thứ ba và không cần bất cứ nỗ lực quốc tế hóa những xung đột này".

Nhìn chung có thể thấy một số ít quốc gia nói trên đã có lời ủng hộ đối với tuyên bố của Trung Quốc về Biển Đông. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó mới chỉ được các nước thể hiện bằng lời nói chứ chưa thể chuyển đổi thành hành động cụ thể.

Trong khi đó, phần lớn của thế giới, các nước phương Tây và EU như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italy hay các quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…đều kêu gọi các bên liên quan trên Biển Đông phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Toà Trọng tài.