Dân Việt

Hiệp sĩ biển cả

19/11/2010 19:16 GMT+7
(Dân Việt) - Trở về quê, thượng sĩ Phạm Trí Thức, (SN 1955) ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi chọn kế mưu sinh trên biển. Với tinh thần chiến thắng đói nghèo và tấm lòng nghĩa hiệp, ông trở thành một hiệp sĩ trên biển cả.

Nuôi nghị lực bằng… thơ

img
Dù khá giả, nhưng ông Thức vẫn luôn bận rộn với công việc.

Năm 16 tuổi, chàng thiếu niên Phạm Trí Thức trở thành liên lạc cho đơn vị du kích Đông Sơn. Mặt non nớt, khẩu AK khoác vai dài chấm đất – đó là hình ảnh mà nhiều đồng đội của ông còn nhắc lại...

Chiến tranh kết thúc, cuộc đời ông cứ tưởng rồi sẽ không còn lo cảnh bom đạn, binh đao. Năm 1978, lệnh tổng động viên khi tiếng súng của bọn Pôn Pốt rộ lên ở biên giới Tây Nam, ông quay lại chiến trường, lăn lộn dọc tuyến biên giới.

Năm 1984 xuất ngũ về quê, trên vai ông đeo lon thượng sĩ. Thời đó, quê ông có nhiều người nghèo và người ta xếp ông vào diện... nghèo nhất làng. Vốn liếng, đất đai, tàu thuyền không có, ông trở thành thợ đụng - bốc vác, đào đất, đi biển… ông đều làm. Khi đi biển về, chủ ghe chia tiền cho bạn. Riêng ông thì chỉ được hưởng tiền thừa. Bởi ai cũng chê bai: “Nó nghèo, kêu nó đi làm kiếm cơm. Bấy nhiêu là mừng quá rồi!”.

Về quê 8 năm trời, cưới vợ, sinh con, cái sự nghèo vẫn cứ đeo đuổi. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán, nhìn trăng xuyên qua mái nhà phủ lá dừa, ông bật dậy nắm chặt tay nhìn ra biển nhủ thầm: “Mình là thằng lính, sao lại thua thằng giặc đói nghèo!?”. Ông lật quyển nhật ký đời lính, ghi một mạch bài thơ dài chục câu, thể hiện ước mơ của mình: “Quê tôi giàu, có dòng sông – No cơm, ấm áo nhớ công Bác Hồ…”.

“Mai anh lên ngân hàng vay tiền” – cũng đêm đó, bà Viết - vợ ông chột dạ khi nghe ông bày tỏ ý định. Và bà can ngăn: “Thôi đi ông ơi, hôm trước họ tới đếm nhà mình lợp 12 tấm lá dừa, trong nhà có một cái giường tre. Họ biểu tài sản của vợ chồng cô không đáng 100 ngàn. Ông đừng có ráng”.

Thấy ông quyết tâm, bà nhét vào túi áo ông 10.000 đồng và căn dặn: Ông đi xe ôm 2 vòng hết 8.000, còn 2.000 ăn bánh dọc đường. Hôm đó, 3 giờ sáng, ông lọ mọ đi bộ một mạch hơn 30km lên ngân hàng. Cuối cùng, ngân hàng đã cho ông vay 50 triệu đồng sau khi mời một người bạn của ông đứng ra bảo lãnh.

Ông như người mọc cánh. Mang tiền về quê mua chiếc thuyền công suất 45CV. “Tàu thằng Thức chuyến nào cũng trúng” – tên của ông được các ngư dân sừng sỏ nhất kiêng nể, còn người dân địa phương bắt đầu thán phục và ghi danh tàu ông vào đầu sổ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, ông mang tiền gốc lên trả ngân hàng. Người ta đón ông bằng cái bắt tay vồn vã, ánh mắt ngạc nhiên. Không những vậy, năm 1998, khi nhà nước có chủ trương đầu tư thuyền đánh bắt xa bờ, ông vay dự án để đóng con thuyền to nhất xã, trị giá 800 triệu đồng. Cả xã ra nhìn con tàu có tiếng máy nổ như ô tô, xé nước lao đi như gió. “Thằng giặc” đói nghèo đã bị ông tiêu diệt, giờ chuyển qua làm giàu và hoàn nợ. Mỗi lần ra khơi, ông ví như đi chiến dịch – đã đánh là phải thắng. “Nhà nước cũng đi vay cho mình mượn, mình phải biết ơn và ráng làm trả cho Nhà nước” – ông thường trăn trở vậy.

Trở thành nông dân sản xuất giỏi, trước ngày ra Trung ương báo cáo điển hình, ông mang bài thơ sáng tác trong cái đêm bụng đói cồn cào ra đọc lại, bởi ước mơ của người lính đã thành hiện thực: “Quê tôi cuộc sống êm đềm – Thi đua lao động là niềm vinh quang”.

Bảo bối vô giá

Từ ngày phất lên từ biển, thuyền trưởng Phạm Trí Thức đã xuất vốn mua luôn 3 chiếc tàu cá, mỗi tàu có công suất 105 CV trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Đánh cá, nhưng ông áp dụng chiến thuật của người lính: Đồng tâm nhất trí, hậu cần đảm bảo, thông tin thông suốt, chi viện sẵn sàng.

Cái danh “ra biển là đơm được cá” của thuyền trưởng Phạm Trí Thức ngày càng có thương hiệu. Ông Thức tâm sự: “Tôi có một cuốn sổ Nam Tào ghi rõ vụ mùa, thời điểm con cá xuất hiện. Ví dụ cá nổi thì di cư liên tục và trú tại các gò san hô. Cá ngừ tháng 3, tháng 4 nước chảy xuống là lũ lượt vô phía Nam. Rồi đến mùa nước lên vào tháng 5, tháng 6 thì lại trở về. Đúng chu kỳ, cá đi về, cứ huy động tàu ra canh, 3 – 4 ngày đừng nản, thế nào cũng hốt được vài bữa cá bằng người khác cả năm làm”. Ông Thức bảo, cuốn sổ của ông giờ là bảo bối vô giá. Ai được sở hữu cuốn sổ này thì cứ ra khơi là chắc thắng.

Cuốn sách Nam Tào đó chắc ông chỉ truyền lại cho con trai? Ông Thức lắc đầu: Một đứa học đại học đã ra trường, một đứa học cao đẳng. Còn thằng út không biết có nối được nghiệp cha?

Hiệp sĩ cứu nạn

“Biển năng canh, ruộng năng hành” – ông lấy những lời dạy của ông bà ra để làm biển theo cách rất riêng của mình và đạt được nhiều thành công. Và trong những chuyến đi biển, ông đã ra tay cứu nhiều ngư dân bị nạn.

Trong cơn bão số 9 năm 2009, vào lúc nửa đêm, nước trên nguồn đổ xuống, cuốn phăng tàu bè trôi ra phía cửa biển. Bão số 9 đã không còn như dự báo - đột ngột rẽ vào Quảng Ngãi. Con tàu của ông bị nước cuốn đi ào ào. Ông gào lên át tiếng mưa bảo lão ngư dân già đi trên thuyền: Nhảy lên bờ, ông ở trên này coi chừng chết chung! Giữ cho thuyền thăng bằng, một mình nổ máy, bơm nước, con thuyền gào thét, xả khói đen kịt đi ngược dòng để cố đến cứu chiếc tàu đang bị trôi, các ngư dân trên tàu khóc lóc thảm thiết.

Cứu xong chiếc tàu này, ông cho tàu lao ra phía cửa. Tại đó có 2 chiếc tàu khác của ông Phạm Thanh Xuân và Võ Văn Tình đang mấp mé lọt ra ngoài biển. “Phải kéo cho được, nếu để chút nữa chắc nó rã ván” – ông gào lên để huy động anh em giúp sức. Cuối cùng, 2 chủ tàu rất cảm phục khi ông lội ngược dòng đưa tàu họ về nơi an toàn. Hai chủ tàu được cứu nạn, mỗi người hậu tạ ông 5 triệu đồng, ông lắc đầu: “Thấy người bị nạn thì cứu, có gì mà phải tiền bạc”.

Một lần khác, trên kênh F16 của máy Icom, ông bắt được thông tin các ngư dân tỉnh Quảng Nam giọng nài nỉ: “Nếu ông anh không giúp, chừ đêm nay nữa là tụi em chết, hổng đứa mô chịu nổi nữa rồi!”.

Cắt tàu về gần Lý Sơn. Trong đêm tối, dưới ánh đèn lờ mờ, ông nhìn thấy chiếc tàu bị sóng cấp 7 đang chao đảo như sắp lật. Giàn câu mực 3 tầng như hòn núi cứ vít con tàu chao nghiêng đến rợn người. Cuộc hành trình liên tục bị gián đoạn bởi dây kéo đứt. 20 ngư dân trên tàu câu mực vui mừng khôn xiết khi cảng Sa Kỳ thấp thoáng trong làn mưa, bão trắng trời. “Tụi em làm ăn bị lỗ hai chuyến, chuyến ni còn đầy tàu mực. Bán xong cho chủ nậu thì anh em hậu tạ”... Ông Thức lắc đầu và chỉ nhận một bữa nhậu để bù công sức cho anh em bạn trên tàu của mình.n

Ghi nhận những đóng góp của thuyền trưởng Phạm Trí Thức, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc”.