Vừa qua, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng, nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông sẽ yêu cầu Apple sản xuất iPhone và máy tính ngay tại nước Mỹ chứ không còn là Trung Quốc.
Thực tế, điều ông Donald Trump nói cũng là những gì mà Tổng thống Mỹ đương nhiệm Barack Obama từng đặt vấn đề với vị giám đốc điều hành quá cố của Apple - Steve Jobs. Theo Steve Jobs, Apple chọn các nhà sản xuất ở Trung Quốc không phải chỉ vì chi phí rẻ. Ngoài chi phí rẻ, lực lượng lao động ở Trung Quốc còn có tay nghề cao và các bộ phận linh hoạt, do đó Apple tin rằng họ sẽ sản xuất nhanh hơn so với các đối tác ở Mỹ.
Kịch bản 1: Chỉ lắp ráp iPhone ở Mỹ
Hiện đang có 7 nhà máy lắp ráp iPhone trên toàn thế giới, trong đó có 6 nhà máy tại Trung Quốc và 1 nhà máy ở Brazil. Câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là nếu Apple nhập linh kiện từ nhiều nơi khác, rồi lắp ráp tại Mỹ thì giá của mỗi chiếc iPhone thành phẩm sẽ bị “đội” lên bao nhiêu?
Những linh kiện cấu thành nên iPhone.
Theo công ty phân tích thị trường IHS, chi phí linh kiện của một chiếc iPhone 6S Plus chỉ vào khoảng 230 USD trong khi sản phẩm có giá bán 749 USD trên thị trường. Tương tự, dòng iPhone mới nhất của Apple là iPhone SE được bán với giá 399 USD nhưng IHS ước tính tổng giá trị các linh kiện chỉ vào khoảng 156 USD.
Ngoài chi phí linh kiện khi sản xuất iPhone thì phải kể đến chi phí lắp ráp. IHS cho rằng chi phí này vào khoảng 4 USD cho mỗi chiếc iPhone, còn Jason Dedrick - một giáo sư tại Đại học Syracuse cho rằng chi phí lắp ráp mỗi chiếc iPhone vào khoảng 10 USD.
Theo giáo sư Dedrick, nếu Apple lắp ráp iPhone tại Mỹ, chi phí cho riêng công đoạn này sẽ tăng thêm 30 - 40 USD. Lý do là chi phí thuê nhân công tại Mỹ cao hơn Trung Quốc và thêm một phần chi phí vận chuyển các linh kiện từ nước ngoài về Mỹ. Nhận định của ông Dedrick trong trường hợp các chi phí khác không đổi, giá bán thành phẩm mỗi chiếc iPhone sẽ tăng thêm 5%.
Các đối tác của Apple có tổng cộng 1,6 triệu nhân công, đông nhất là ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Apple cho biết các đối tác của họ có tổng cộng 1,6 triệu nhân công, và lượng nhân công ở khâu lắp ráp chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ. Do đó, thêm một vấn đề đặt ra là liệu Apple có thuyết phục được Foxconn hay đối tác nào khác xây dựng nhà máy lắp ráp iPhone ở Mỹ?
Kịch bản 2: Sản xuất linh kiện ở Mỹ
Khoảng một nửa (346 trong số 766) nhà cung cấp linh kiện iPhone, iPad và Mac là ở Trung Quốc, 126 ở Nhật Bản, 69 ở Mỹ, 41 ở Đài Loan,... Nếu muốn quản lý chi tiết từng linh kiện làm iPhone ngay trên sân nhà, Apple phải tìm cách kêu gọi các đối tác trên mở nhà máy tại Mỹ. Tuy nhiên, mỗi nhà cung cấp lại đang có những nhà máy sản xuất ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
Những nơi có nhà máy sẩn xuất linh kiện iPhone (màu đỏ).
Lấy ví dụ lớp kính Gorilla Glass được hãng Corning sản xuất ở Kentucky, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Ngoài ra, những linh kiện quan trọng khác phải kể đến như lớp màn hình cảm ứng (có giá 20 USD trên iPhone SE, theo IHS), đắt tiếp theo là bộ nhớ flash. Apple cũng thuê Samsung (một công ty Hàn Quốc) và TSMC (một công ty Đài Loan) sản xuất chip theo thiết kế của riêng mình. Modem kết nối mạng trên iPhone được thiết kế bởi Qualcomm, chi phí khoảng 15 USD, bộ nhớ DRAM NAND thêm 15 USD, chip quản lý năng lượng 6,5 USD và bộ khuếch đại truyền thanh và thu phát cũng khoảng 15 USD.
Trong trường hợp các linh kiện trên được sản xuất ngay tại Mỹ, chi phí mỗi chiếc iPhone được cho là sẽ “đội” thêm tối đa 100 USD. Đây là giả định nếu nguyên liệu để sản xuất các linh kiện được nhập từ khắp nơi trên thế giới.
Kịch bản 3: Tự tìm nguyên liệu
Để chế tạo linh kiện, Apple cần phải có nguyên liệu thô ban đầu. Trong trường hợp quản lý cả từng gram nguyên liệu, Apple sẽ phải phụ thuộc vào chính phủ các quốc gia khác. Lý do là theo phòng thí nghiệm Ames, một chiếc iPhone được cấu thành từ khoảng 75 nguyên tố - chiếm hai phần ba bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
Hàng chục nguyên tố cấu thành nên iPhone.
Tuy nhiên, chỉ xét đến nguyên liệu của lớp vỏ bên ngoài iPhone như nhôm thì vật liệu này không phải có sẵn trong tự nhiên ở Hoa Kỳ, thậm chí Hoa Kỳ không có mỏ bauxite nào để khai thác kim loại nói chung hay nhôm nói riêng. Ngoài ra, Apple có thể sẽ phải nhập đất hiếm từ Trung Quốc hay nguyên liệu neodymium để làm nam châm, chế tạo micro, loa và con rung cho điện thoại. Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu không đưa ra bình luận về mức giá nhưng có thể giá bán của iPhone sẽ tăng rất cao.
Do đó, có thể kết luận iPhone là một đột phá công nghệ của Mỹ nhưng cũng là minh chứng cho xu hướng toàn cầu hóa không thể tránh khỏi, và Apple khó lòng tách mình khỏi thế giới.