Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã trả lời báo chí.
Xin ông cho biết việc thực hiện Nghị quyết 35 có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?
- Nghị quyết 35 có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm chúng ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là những Hiệp định thương mại song phương vừa ký.
Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp có 2 chính sách rất quan trọng đó là Nghị định 210 về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và Nghị định 55 ưu đãi vốn tín dụng.
Ngoài ra, còn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ như xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 75 về phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo…
Bộ NNPTNT đang rà soát lại tất cả những văn bản này, đánh giá những chính sách hiện hành liên quan đến nông nghiệp, mặt gì thực hiện tốt, mặt gì chưa hiệu quả, làm sao để có thể hệ thống hóa thành 1 chính sách khả thi, tạo niềm tin hơn cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần được tạo chính sách thuận lợi. (ảnh minh họa). I.T
Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp có 2 chính sách rất quan trọng, đó là Nghị định 210 về ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và Nghị định 55 ưu đãi vốn tín dụng |
Trong quá trình rà soát, chỉnh sửa các điều kiện kinh doanh, Bộ thực hiện như thế nào để từ 99 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ chỉ còn 32 ngành nghề, thưa ông?
- Bộ NNPTNT đã rà soát hệ thống văn bản liên quan tới quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cụ thể, Bộ đã rà soát 7 luật, 5 pháp lệnh, 17 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 thông tư của Bộ NNPTNT có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tổng hợp tất cả những các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, trong lĩnh vực nông nghiệp có tới 99 ngành nghề có điều kiện kinh doanh.
Theo Luật Đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp có 35 ngành có điều kiện kinh doanh, như vậy có rất nhiều điều kiện hiện nay sẽ được xóa bỏ. Trong 35 ngành nghề có điều kiện kinh doanh, Bộ đã đề nghị Chính phủ cho phép không quy định 3 ngành nghề đó là: Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản.
Các điều kiện kinh doanh khác sẽ được quy định theo hướng giảm tối thiểu những thủ tục hành chính, chỉ tập trung giữ các điều kiện rất căn bản để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm. Như vậy, khối lượng công việc rất đồ sộ, song Bộ đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ Chính phủ giao.
Thưa ông, để chính sách đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả cao, trong quá trình xây dựng chính sách, chúng ta cần phải lưu ý đến vấn đề gì?
- Những chính sách hỗ trợ phải cân đối và gắn với nguồn lực. Hiện nay chúng ta cân đối về nguồn lực so với chính sách chưa đạt được nhiều. Vì vậy trong quá trình rà soát các văn bản đợt này cũng phải đặt vấn đề này ra để xem xét.
Theo tôi, trong quá trình xây dựng chính sách và cơ chế làm sao để có chính sách rồi nhưng không phải là chính sách ban phát, không phải là chính sách để cho tiền doanh nghiệp mà quan trọng là Nhà nước tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chủ yếu thông qua những chính sách liên quan đến thuế.
Xin cảm ơn ông!