Chiều ngày 29.7, 10 đại biểu được đề cử vào chức vụ chủ tịch Hội đồng Dân tộc và chủ nhiệm các ủy ban Quốc hội đã trúng cử, bao gồm:
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên- thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai (tái cử); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng.
Trong các chủ tịch hội đồng, chủ nhiệm ủy ban này, người trẻ nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng (51 tuổi), người nhiều tuổi nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên- thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi (60 tuổi), người trúng cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu.
Bên cạnh đó, nhân sự Hội đồng Dân tộc và các ủy ban Quốc hội cũng được hoàn tất.
Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch Ksor Phước, 4 phó chủ tịch là: Giàng A Chu, Mã Điền Cư, Triệu Thị Nái, Danh Út, tổng số thành viên là 40.
Ủy ban Pháp luật gồm Chủ nhiệm Phan Trung Lý, 5 phó chủ nhiệm là: Nguyễn Kim Hồng, Trần Đình Long, Đặng Đình Luyến, Lê Minh Thông, còn một vị trí phó chủ nhiệm sẽ được bổ sung sau, tổng số ủy viên là 40.
Ủy ban Tư pháp gồm Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, 5 phó chủ nhiệm là: Nguyễn Công Hồng, Lê Thị Nga, Dương Ngọc Ngưu, Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Đình Quyền, tổng số ủy viên là 30.
Ủy ban Kinh tế gồm Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, 4 phó chủ nhiệm là: Nguyễn Văn Phúc, Mai Xuân Hùng, Nguyễn Đức Kiên, Đặng Thế Vinh, tổng số ủy viên là 45.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách gồm Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển, 4 phó chủ nhiệm là: Đinh Trịnh Hải, Đinh Văn Nhã, Trần Văn, Bùi Đặng Dũng, tổng số ủy viên là 37.
Ủy ban Quốc phòng- An ninh gồm Chủ nhiệm Nguyễn Kim Khoa, 3 phó chủ nhiệm là: Trần Đình Nhã, Hồ Trọng Ngũ, Lê Việt Trường, tổng số ủy viên là 36.
Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên- thiếu niên và nhi đồng gồm Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, 4 phó chủ nhiệm là: Lê Văn Học, Ngô Thị Minh, Trịnh Ngọc Thạch, Lê Như Tiến, tổng số ủy viên là 43.
Ủy ban Các vấn đề xã hội gồm Chủ nhiệm Trương Thị Mai, 4 phó chủ nhiệm là: Nguyễn Thúy Anh, Đỗ Mạnh Hùng, Bùi Sỹ Lợi, Nguyễn Văn Tiên, tổng số ủy viên là 50.
Ủy ban Khoa học - Công nghệ và môi trường gồm Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, 4 phó chủ nhiệm là: Nguyễn Vinh Hà, Lê Quang Huy, Lê Bộ Lĩnh, Võ Tuấn Nhân, tổng số ủy viên là 33.
Ủy ban Đối ngoại gồm Chủ nhiệm Trần Văn Hằng, 3 phó chủ nhiệm là: Ngô Đức Mạnh, Nguyễn Mạnh Tiến, Hà Huy Thông, tổng số ủy viên là 36.
Trong sáng ngày 29.7, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết để đưa vào danh sách chính thức đối với những người được đề cử thêm nhưng không xin rút, bao gồm: ông Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) được đề cử làm phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ và môi trường; các ông, bà Vi Thị Hương (Nghệ An), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam), Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi), Phạm Hồng Phong (Hậu Giang), Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình), Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định), Mai Hữu Tín (Bình Dương) được đề cử làm ủy viên Hội đồng Dân tộc và một số ủy ban khác của Quốc hội. Kết quả, Quốc hội đã không đồng ý đưa tên các ông bà trên vào danh sách bầu cử.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày trước Quốc hội báo cáo kết quả trao đổi tại các đoàn đại biểu Quốc hội và phiếu thăm dò các đại biểu Quốc hội về nhân sự Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Theo đó, ngoài danh sách do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử, nhiều đại biểu Quốc hội đã được giới thiệu thêm để ứng cử phó chủ tịch, phó chủ nhiệm, ủy viên các cơ quan trên và phần lớn đều xin rút.
Danh sách chính thức ứng cử viên chủ tịch và các phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm và các phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, trưởng ban thư ký kỳ họp giữ nguyên như danh sách Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử trước đó.
Đức Hiếu