Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được đề nghị "ưu tiên", nhưng ưu tiên như thế nào, là ưu tiên số 1 hay chỉ là ưu tiên trong những chính sách ưu tiên, thì chúng ta vẫn chưa rõ. Vì sao chúng ta phải ưu tiên cho nông nghiệp?
Theo Ủy ban Kinh tế, trong suốt giai đoạn khó khăn vừa qua của nền kinh tế, nông nghiệp đã góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho đông đảo lao động nông thôn...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đã đạt tới 13,9 tỷ USD (tăng 33% so cùng kỳ năm 2010), qua đó giúp giảm nhập siêu cho nền kinh tế.
Thành tích của nông nghiệp - nông thôn là như vậy, nhưng lại có một nghịch lý rằng đây là lĩnh vực được đầu tư rất thấp. Đáng quan ngại là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp hiện nay chỉ chiếm 1,63 % tổng FDI vào Việt Nam và đang theo chiều hướng giảm dần. Các doanh nghiệp trong nước cũng "ngại" đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Vì sao họ ngại, cũng là do chính sách cả.
Ông Lê Văn Mẽ- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) cho biết một thực trạng: "Chúng ta sẵn sàng trải thảm đỏ, san lấp mặt bằng rồi đầu tư cơ sở hạ tầng để mời gọi các nhà đầu tư vào khu công nghiệp. Thế nhưng, với nông nghiệp như ngành chăn nuôi chúng tôi muốn xin 1ha đất để xây dựng chuồng trại cũng khó, mà nếu có cho, họ cũng đẩy chúng tôi vào chỗ xa xôi, không có điện, không có đường...".
Mặc dù, lúc nào chúng ta cũng nói nào là nông nghiệp đã cứu nền kinh tế, rồi nông thôn là địa bàn rất quan trọng với 70% dân số sinh sống, đời sống nông dân còn rất thấp, cần được cải thiện... nhưng hành động thì còn ít và chưa nhiều hiệu quả.
Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết "tam nông", Bộ NNPTNT đã thẳng thắn chỉ rõ: "Ba năm thực hiện Nghị quyết số 26 cũng là giai đoạn mà số lượng cơ chế chính sách về nông nghiệp, nông thôn được ban hành nhiều nhất từ trước tới nay, nhưng đa số mới chỉ dưới dạng văn bản, việc chuyển hóa thành những hoạt động cụ thể còn hạn chế".
Đã đến lúc chúng ta phải biến những cái ưu tiên đó thành hành động cụ thể. Với vai trò của mình, Quốc hội cũng cần nhanh chóng có những hành động để ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn theo như kiến nghị của Uỷ ban Kinh tế. Để hiện thực hoá được điều này, về mặt chính sách, Quốc hội cần nhanh chóng thông qua các Luật Nông nghiệp, Luật Thuỷ lợi, Luật Thú y, Luật Thuỷ sản... đồng thời có những chính sách ưu tiên cụ thể cho nông nghiệp, đặc biệt là về bố trí ngân sách phải cao hơn nữa.
Lê Hân