Dân Việt

Nông dân Vĩnh Châu kiếm tiền triệu từ mùa ruốc

Chúc Ly 16/06/2016 13:25 GMT+7
Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế biển. Đời sống của bà con nơi đây đa phần dựa vào biển cả, trong đó, mùa ruốc là mùa mà ngư dân ở đây mong đợi nhất - mùa làm ăn sung túc nhất trong năm.

Trúng mùa ruốc

Cũng giống nhiều loại hải sản khác, ruốc cũng là một nguồn lợi quý từ biển cả. Ở ĐBSCL, ruốc tập trung nhiều ở các vùng biển ở Phú Tân (Cà Mau); Gành Hào, Đông Hải (Bạc Liêu) và tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Một mùa ruốc thường bắt đầu từ tháng 2-6 âm lịch.

img

Việc sàng ruốc thường được các chị em đảm nhận. Ảnh C.L

Làng biển Mỹ Thanh (ấp Mỹ Thanh, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) có hơn 100 tàu thuyền tham gia vào việc khai thác con ruốc, dân đi biển thường gọi là đi te ruốc. Đối với bà con ngư dân, đi te ruốc không tốn nhiều chi phí trang bị tàu thuyền, mua sắm ngư cụ hay đổ xăng dầu vì con ruốc sống gần bờ, việc đánh bắt không mấy khó khăn.

Vào khoảng 4-5 giờ sáng mỗi ngày, ngư dân canh theo con nước lớn để chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Thông thường, họ kéo te ruốc ở các khu vực như Bãi Giá, Hồ Bể và đáy hàng khơi.

img

Được thiên nhiên ưu đãi, năm nay, trữ lượng ruốc tại vùng biển Vĩnh Châu khá dồi dào, đem lại niềm vui lớn cho bà con ngư dân nơi đây. Ruốc Vĩnh Châu cơ bản chia làm 3 loại: Loại 1 giá tầm 7.000-10.000 đồng/kg (tùy thời điểm); loại 2 khoảng 3.000-4.000 đồng/kg và loại 3 khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. “Lợi nhuận của mỗi chuyến te ruốc thường khác nhau, có chuyến lời được vài triệu đồng, có chuyến lời gần 10 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập khá ổn định của nhiều ngư dân” – anh Năm Lộc, một ngư dân Vĩnh Châu chia sẻ.

Theo bà con ngư dân ở đây, vào đúng mùa ruốc như thế này, con ruốc sẽ rất ngọt và mập. Ngư dân miệt biển thường hay ví von, te ruốc đầu năm mà trúng luồng ruốc chạy thì coi như nhận được lộc biển. Đời sống dân thuyền chài năm đó nhờ vậy sẽ sung túc hơn.

Giữ được hương vị ruốc truyền thống

Anh Huỳnh Văn Thoáng là người đã chọn gắn đời mình với nghề mà cha ông để lại, bộc bạch: “Giá ruốc năm nay khá cao và ổn định, nhiều năm nay chúng tôi sống ổn nhờ nghề này. Mùa ruốc năm nay, mỗi chuyến tôi đi te được khoảng 800-1.000kg ruốc”.

“Trên biển rất khó đoán được vị trí con ruốc, gió Nam, nước trong là không có ruốc, nơi nước đục mới có ruốc. Phải qua nhiều năm làm nghề, có được sự nhạy cảm thì mới xác định được vị trí nào có ruốc” – ông Lý Hoàng Trợ chia sẻ kinh nghiệm.

Ruốc là loài giáp xác có chân, trông giống con tép nhỏ. Cùng một loài, người miền Tây gọi ruốc, người Hà Tĩnh gọi moi; còn người miền Trung gọi khuyết. Ngoài khơi, con ruốc thường di chuyển theo từng luồng với số lượng rất lớn. Nhờ vậy, việc te ruốc không quá khó khăn.

Để giữ được độ tươi ngon, ruốc sau khi đánh bắt về phải được phơi khô ngay trong ngày. Do vậy, công việc te ruốc trên biển thường được kết thúc sớm để người dân tranh thủ nắng, kịp phơi ruốc cho khô. Trong mùa ruốc, nhiều chị em phụ nữ cũng kiếm được một khoản tiền ổn định từ công việc sàng ruốc, phơi ruốc hàng ngày.

Ông Lê Minh Trường – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, thông tin: “Hằng năm, nếu trúng mùa, Vĩnh Châu cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn ruốc, chủ yếu là ở một số tỉnh trong khu vực và địa bàn TP.HCM. Ruốc Vĩnh Châu từ lâu được đánh giá là ngon, chất lượng. Với nghề này, giúp tăng thêm thu nhập cho nhiều ngư dân”.

“Hiện nay, ở một số địa phương có tình trạng bà con ngư dân sử dụng hóa chất để nhuộm màu cho ruốc trước khi phơi. Tuy nhiên ở Vĩnh Châu, ruốc sau khi phơi vẫn giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong tư duy sản xuất của bà con ngư dân nơi đây” – ông Trường cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Lộc - ngư dân Vĩnh Châu đã nhiều năm gắn bó với nghề đánh bắt ruốc cho biết: “Để giữ được uy tín và thương hiệu ruốc Vĩnh Châu, chúng tôi không sử dụng hóa chất để nhuộm màu trước khi phơi. Các ngư dân Vĩnh Châu luôn dặn dò nhau rằng, điều quan trọng là chữ tín và phải cùng nhau gìn giữ được điều đó. Cũng nhờ vậy mà ruốc Vĩnh Châu được tiêu thụ tốt, giúp ngư dân luôn yên tâm khi đánh bắt bởi có thị trường tiêu thụ. Gia đình tôi với mỗi chuyến te ruốc cũng có lãi từ 2 đến 6 triệu đồng”.