Dân Việt

Indonesia nói lý do ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông

Minh Anh 15/06/2016 21:00 GMT+7
Ngày 15.6, Bộ Ngoại giao Indonesia lên tiếng giải thích rằng văn bản được cho là tuyên bố chung về tình hình Biển Đông gửi đến báo chí nhưng phải thu hồi vì sơ suất.

Đêm 14.6, giới truyền thông nhận được văn bản được cho là tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc. Nội dung văn bản tuy không đề cập cụ thể đến Trung Quốc nhưng nêu rõ "những diễn biến gần đây ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông có nguy cơ làm suy yếu hòa bình". Nhưng nó đã bị Ban thư ký ASEAN thu hồi chỉ vài giờ sau khi phát hành.

Ngày 15.6, Bộ Ngoại giao Indonesia lên tiếng "giải thích" về hành động thu hồi này. Theo đó, người phát ngôn Arrmanatha Nasir nói văn bản được công bố thực chất chỉ là "chỉ dẫn truyền thông", để các ngoại trưởng ASEAN dựa vào đó trả lời tại cuộc họp báo sau phiên họp, chứ không phải tuyên bố chính thức.

img

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở Côn Minh, Trung Quốc ngày 14/6. Ảnh: Reuters

Khi thông báo thu hồi, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng nêu lý do "cần phải điều chỉnh gấp".

"Các cuộc họp giữa Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc bị 'cháy lịch' nên cuộc họp báo cũng phải hủy, nhiều bộ trưởng phải trở về sớm. Do vậy, họ không có thời gian thảo luận nên công bố nội dung hội nghị cho báo chí như thế nào", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Nasir giải thích thêm.

Theo AFP, giới quan sát đưa ra một số giả thiết về hành động thu hồi hiếm hoi này của ASEAN. Các nguyên nhân nổi bật gồm ASEAN không thể hoàn toàn thống nhất trước những áp lực từ Trung Quốc, hoặc phía Bộ Ngoại giao Malaysia khi nhận trách nhiệm công bố văn bản đã thực hiện quá sớm; hoặc một số nước ASEAN muốn chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đối với vụ kiện của Philippines trước khi đưa ra một tuyên bố chung...

Tuy nhiên, dù nguyên nhân thế nào, sự cố lần này tiếp tục cho thấy ASEAN vẫn chưa thể hình thành một quan điểm đồng nhất để đối phó với các hành động gây lo ngại của Trung Quốc trong khu vực.

Một số nước thành viên ASEAN như Philippines có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc, trong khi các nước như Campuchia, Myanmar có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh. Những nước khác như Malaysia, Brunei thường không tỏ quan điểm mạnh mẽ về tình hình Biển Đông.