Dân Việt

Cung đường ma túy: Nỗi đau của người ở lại

31/07/2011 13:25 GMT+7
(Dân Việt) - Người ta nói, thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ, kể cả nỗi đau tâm hồn. Tuy nhiên, với những người chúng tôi đã gặp trong chuyến thực tế bằng nước mắt này thì thời gian chỉ làm nỗi đau đớn thêm chất ngất.

Linh tính của người mẹ

Trở lại câu chuyện của liệt sĩ Bùi Quốc Đại - người đã anh dũng hy sinh trong trong cuộc vây ráp tên trùm ma túy Vàng A Khua ở tử huyệt ma túy Hang Kia (Hoà Bình). Chiều hôm ấy, ngày 4.2.2011, sau khi thu dọn sổ sách ở nơi làm việc, mẹ anh là bà Nguyễn Thị Thu Hà định về sớm để làm bữa ăn tươm tất cho Đại sau chuyến công tác mệt nhọc.

Đang chuẩn bị ra về, điện thoại của bà bỗng rung. Người gọi là chị gái bà. Nhìn số máy ấy, bà lạnh toát sống lưng. Chẳng mấy khi chị gái bà gọi điện bởi ở gần nhau, hễ có việc gì là tối chị em xum tụ chuyện trò chứ chẳng việc gì mà gấp gáp.

img
Lãnh đạo Bộ Công an đến chia buồn với gia đình trung uý Bùi Quốc Đại.

Linh tính của bà đã đúng. Vừa mở máy, bà đã nghe thấy tiếng nức nở. Chị gái bà chỉ nói mỗi câu "em điện cho thằng Đại đi" rồi cúp máy. Có chuyện chẳng lành đến với con mình rồi sao, nghĩ vậy, bà luống cuống bấm máy cho con. Thế nhưng, hoảng hốt thay, điện thoại của Đại chỉ phát ra những tiếng bíp bíp vô hồn.

Cuống cuồng gọi mấy lần mà chẳng được, bà gọi lại cho chị gái mình. Thế nhưng, chị gái bà đã không dám nhận cuộc gọi ấy của bà nữa. Hôm đó, rét như cắt thịt cắt da mà mồ hôi bà vã ra như tắm. Hoảng loạn, bà chẳng còn biết gọi cho ai để hỏi thông tin về con mình nữa. Vứt bỏ cả túi xách, bà nháo nhào chạy về nhà.

Từ xa trông về nhà mình, bà thấy người ra kẻ vào lố nhố. Đúng là có chuyện chẳng lành với con mình rồi! Ý nghĩ ấy làm chân tay bà mềm oặt. Vừa thấy bóng bà, mọi người xúm đến, ai cũng nước mắt vắn dài. "Đại hy sinh rồi Hà ơi!". Câu nói ấy như nhát dao đâm thẳng vào tim, bà ngã vật ra hè, bất tỉnh.

Những đứa con không biết mặt cha

Giống như thượng úy Đỗ Mạnh Linh mà chúng tôi đã kể ở bài trước, thiếu uý Sùng A Trư ở bản Trà Đẫy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hòa Bình) cũng anh dũng nằm xuống (hy sinh trong vụ vây bắt trùm ma túy Vàng A Khua) khi vợ đang mang bầu. Thương thay, những đứa trẻ ấy ra đời sẽ không bao giờ được thấy bố.

Trư tuổi hợi (SN 1984), là con thứ nhưng là người lo hương hoả cho tổ tiên sau này. So với đám thanh niên cùng thế hệ trong xã thì Trư là người hiền lành, cái tay hay làm, cái đầu hay nghĩ.

img
Từ ngày chồng mất, chị Huyền - vợ thượng úy Linh lặng lẽ như chiếc bóng.

Ông Sùng A Phử - bố của Trư, kể, trong số mấy anh em thì gia đình ông, dòng họ ông kỳ vọng vào Trư nhiều nhất. Năm học lớp 7, Trư đã đứng trong hàng ngũ những thiếu niên ưu tú được tỉnh cử đi học ở trường thiếu sinh quân ở Thái Nguyên. Học xong THPT tại ngôi trường này, bởi những thành tích xuất sắc, Trư lại được xét tuyển vào Trường Trung cấp An ninh.

Ông Phử kể, suốt quãng đời niên thiếu, Trư cứ xa nhà biền biệt. Ngôi nhà dưới chân núi chỉ đón Trư về khi mận đã trắng hoa, khi đào rừng chớm nụ. Xa con, thấy nhớ thương nhiều lắm nhưng vì sự nghiệp của con, vợ chồng ông chỉ biết cầu mong cho con mình chân cứng đá mềm trên con đường đã chọn.

Năm 2007, Trư lấy vợ, Hà Thị Thuỷ là cô gái ngoan hiền, xinh đẹp có tiếng ở xã Tân Sơn. Vợ Trư học trung cấp mầm non, trong lúc chờ việc thì ở nhà phụ giúp bố mẹ chồng việc cơm nước hằng ngày. Cuộc sống thanh bạc như thế cứ êm đềm trôi.

Trong vòng 2 năm gần đây, ở Hòa Bình, đã có 4 chiến sĩ công an hy sinh trong cuộc chiến với tội phạm ma túy. Con số ấy đủ để khẳng định, hơn bất cứ nơi nào, cuộc chiến chống tội phạm ở cửa ngõ tây bắc đang vô cùng cam go, khốc liệt…

Và, trong niềm hạnh phúc đơn sơ ấy thì chẳng ai có thể nghĩ một ngày nào đó khổ đau lại ập tới mái ấm của mình. Trong nước mắt, ông Phử bảo, ông thương Trư ra đi mà chẳng kịp trối trăng gì. Đau đớn nhất là con ông vẫn không biết mình sắp được làm bố. Lúc Trư hy sinh thì vợ anh mới có tin mừng. Đến giờ, theo ông Phử, cả nhà ông đang tíu tít để chuẩn bị đón giọt máu mà Trư gửi lại.

... Từ hôm Linh mất, bà Mùi chẳng mấy khi chợp mắt. Bà kê giường ra gian thờ để ngày đêm thắp nhang cho con. Vợ Linh, chị Nguyễn Thị Huyền, đứng ngồi như một cái bóng. Chồng mất, Huyền khóc đến rộc người. Nghĩ đến giọt máu đang mang trong bụng, Huyền đã cố sống.

Nhớ lúc quây quần vợ chồng, Linh bảo, khi con chào đời, nếu là trai thì đặt tên là Đỗ Hải Đăng, còn nếu là gái thì là Đỗ Thùy Dương. Hôm rồi đi khám, biết sẽ có con trai, Huyền mừng lắm. Nghĩ tới con lại nhớ đến chồng, nước mắt lại tuôn rơi trên gò má còn hồng phơi phới. "Em sẽ đặt tên con theo đúng sở nguyện của anh ấy!" - Huyền nghẹn ngào khi nhắc đến chồng.