Sáng kiến riêng cho vùng dân tộc
Cũng như nhiều địa phương khác, khi mới triển khai xây dựng NTM, Thái Nguyên gặp khá nhiều khó khăn khi thu nhập bình quân đầu người thấp, mới đạt 14,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn cao (chiếm 17,74%), hạ tầng cơ sở ở nhiều vùng còn thiếu thốn, lạc hậu, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Thái Nguyên đã xác định hạ tầng phải đi trước một bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác phát triển. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng mới, cải tạo 4.075km đường giao thông nông thôn.
Làm đường giao thông nông thôn tại xã Tân Hương, huyện Phổ Yên. Ảnh: T.Đ
Một số kết quả nổi bật: 22 triệu đồng/người/năm là thu nhập bình quân đầu người 10,66% là tỷ lệ hộ nghèo (năm 2015). 85% số xã đã đạt tiêu chí giáo dục 94% xã đạt tiêu chí y tế... 14,2 tiêu chí/xã là mức bình quân toàn tỉnh đạt được. 40 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. |
Đặc biệt, để mở đường tới những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Thái Nguyên có sáng kiến triển khai Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống”. Đề án đã huy động nguồn lực khoảng 38 tỷ đồng để hoàn thành 15 tuyến đường tại các xã vùng khó khăn, vùng dân tộc với tổng chiều dài 42,6km. Với nỗ lực này, đến năm 2015, tỉnh Thái Nguyên đã có 51/143 xã (chiếm 35,7%) đạt tiêu chí giao thông, tăng 50 xã so với năm 2011.
Theo ông Đoàn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, để tạo động lực cho chương trình xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên xác định phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị và thu hút được cộng đồng cùng chung tay, góp sức. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải là người hiểu rõ, nắm chắc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phải đi đầu trong xây dựng NTM. “Quan điểm chỉ đạo đó đã góp phần tạo sự đồng thuận và tạo niềm tin trong nhân dân, huy động được sức mạnh từ tập thể. Trong giai đoạn 2011-2015, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được 2.055 tỷ đồng, ngoài ra nhân dân còn tự nguyện hiến 346,14ha đất để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa...” - ông Tuấn nói.
Sử dụng vốn linh hoạt
Bên cạnh việc tổ chức phát động sâu rộng phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” từ tỉnh đến xã, các cấp lãnh đạo Thái Nguyên cũng linh hoạt triển khai các chính sách, xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn vốn cho chương trình NTM. Cụ thể, trong giai đoạn 2013-2015, mỗi năm tỉnh hỗ trợ cho các xã điểm 2 tỷ đồng, các xã còn lại 600 triệu đồng/xã. Từ năm 2012, tỉnh còn áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng với số lượng 50.000 - 60.000 tấn/năm để các địa phương làm đường giao thông nông thôn, đồng thời có cơ chế hỗ trợ xây dựng mới nhà văn hóa và khu thể thao xã. Theo đó, xã vùng 1 được hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, xã vùng 2 hỗ trợ 1,2 tỷ đồng, xã vùng 3 hỗ trợ 900 triệu đồng/xã. Công trình nhà văn hóa xóm, nếu xây mới được hỗ trợ 100 triệu đồng, sửa chữa được hỗ trợ 50 triệu đồng.
Để tạo thuận lợi cho các xã, Thái Nguyên còn thống nhất thực hiện thiết kế mẫu đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa xã, xóm; đơn giản hóa trình tự, thủ tục tự nguyện hiến đất để giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn...
Nhờ những giải pháp sáng tạo, linh hoạt đó, sau 5 năm, Thái Nguyên đã tạo nên bước chuyển đột phá trong xây dựng NTM, bình quân các xã đạt 14,2 tiêu chí/xã, trong đó có 40 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 28%.
Ông Tuấn cho biết thêm, với những thành quả bước đầu, tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% số xã trở lên đạt chuẩn NTM. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tạo động lực cho phong trào xây dựng NTM ở các địa phương. Cơ chế hỗ trợ xi măng cũng tiếp tục được tỉnh triển khai trên cơ sở lồng ghép từ nguồn vốn ngân sách và huy động đóng góp tại cộng đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Ưu tiên xây dựng cho các xã khó khăn, các xã vùng dân tộc thiểu số...
“Chúng tôi cũng xác định phải gắn chặt xây dựng NTM với đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khai thác tốt các lợi thế, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh phát triển mạnh về nông nghiệp. Theo đó, ngành sẽ vận dụng tối đa các cơ chế ưu đãi đã có, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao, có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nông dân” - ông Hoàng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết.